Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII

Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII

Tổng giám đốc CII: “Lợi nhuận từ năm 2015 sẽ rất lớn”

(ĐTCK) Khởi động kế hoạch tái cấu trúc toàn diện doanh nghiệp từ năm 2012, năm 2015 được Ban lãnh đạo CTCP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) coi là năm bản lề hoàn tất giai đoạn tái cấu trúc và bắt đầu chuyển sang giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ.

Bí quyết của sự thành công mà CII đang có được ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ, là dựa vào 4 yếu tố, ngoài danh mục dự án tốt là tầm nhìn xa để chuẩn bị đầy đủ về nhân sự, hệ thống hoạt động và nguồn vốn. 

Theo Nghị quyết HĐQT Công ty ngày 10/11/2014, CII đặt mục tiêu 3.145 tỷ đồng doanh thu và 462 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2015. Xin ông cho biết căn cứ để HĐQT xây dựng kế hoạch tăng trưởng đột biến như vậy?

Năm 2015 là năm cuối của tiến trình tái cấu trúc hoạt động của CII mà chúng tôi đã đặt ra. Sự thành công trên cả mong đợi của việc tái cấu trúc trong năm qua đã tạo niềm tin mạnh mẽ để HĐQT mạnh dạn đưa ra kế hoạch tăng trưởng cao trong năm 2015.

Về doanh thu, với sự hình thành CII E&C (doanh nghiệp CII nắm giữ 99% cổ phần) và với danh mục dự án triển khai mạnh mẽ trong năm 2015, CII E&C sẽ là doanh nghiệp đóng góp lớn nhất về doanh thu cho CII. Song song đó, các trạm thu phí giao thông đang có tăng trưởng khá tốt về lưu lượng và giá cước, nên mức doanh thu kế hoạch mà CII đặt ra hoàn toàn khả thi. Trong trường hợp các dự án nước được triển khai nhanh hơn thì mức doanh thu của CII sẽ vượt dự báo.

Về lợi nhuận, đóng góp chủ lực vào lợi nhuận của CII trong năm 2015 sẽ là việc bán cổ phần và trái phiếu hoán đổi CII B&R và lợi nhuận từ thi công xây lắp của CII E&C. Trong năm 2015, CII vẫn tiếp tục xác định mức sinh lợi thấp từ CII Water và CII Land do các doanh nghiệp này vẫn đang trong giai đoạn đầu tư dự án. Bắt đầu từ năm 2016, ngoài lợi nhuận ổn định của CII B&R và CII E&C, nhóm doanh nghiệp này sẽ chính thức đóng góp mạnh mẽ lợi nhuận cho CII.

Việc hợp tác toàn diện với Vietinbbank, NHTM lớn nhất Việt Nam đã giúp CII huy động được nguồn vốn tín dụng  rất lớn  (Ảnh: Lê Toàn) 

Đầu tháng 12/2014, CII đã thực hiện bán đấu giá 20 triệu cổ phần CII B&R và 1.200 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu hoán đổi với giá chào mua vượt giá khởi điểm - 16.500 đồng/cổ phần. Xin ông cho biết chi tiết hơn về thương vụ này? CII có thể thu được lợi nhuận bao nhiêu và khi nào sẽ hạch toán lợi nhuận?

Bên mua đang được CII chọn để thương thảo hợp đồng là nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một doanh nghiệp chuyên đầu tư vào các dự án đường bộ với năng lực tài chính rất mạnh. Số tiền 1.950 tỷ đồng (tương đương khoảng 91 triệu USD) giá trị thương vụ là một con số nhỏ so với tiềm lực tài chính của bên mua.

Hiện CII chưa thể công bố chính thức về lợi nhuận nhận được sau giao dịch. Tuy nhiên, chắc chắn rằng, lợi nhuận của CII sẽ rất lớn khi giao dịch thực hiện thành công.

Ngoài lợi nhuận trực tiếp từ giao dịch thành công, CII còn huy động được nguồn vốn lớn (gần 2.000 tỷ đồng) để phát triển dự án mới, qua đó, tạo công ăn việc làm cho Công ty Xây dựng Hạ tầng CII (doanh nghiệp CII nắm giữ 99% cổ phần), tạo ra lợi nhuận và chuyển về cho công ty mẹ CII. CII tin rằng, con số lợi nhuận này cũng sẽ là rất lớn và sẽ được hiện thực hóa kể từ năm 2015 trở đi.

Trong thông điệp với các NĐT, CII tự tin vào khả năng duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận cao trên cơ sở danh mục đầu tư dự án quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng. Làm cách nào để Công ty có thể đáp ứng yêu cầu về nguồn lực tài chính, thưa ông?

Việc huy động vốn để đảm bảo triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ luôn là một trong số những công việc trọng tâm của CII. Ban lãnh đạo Công ty luôn nhìn thấy trước vấn đề này và đã có những bước chuẩn bị thích hợp từ mấy năm trước để kịp thời đáp ứng vốn đầu tư cho các dự án.

Trước hết, CII đã mạnh dạn tái cấu trúc mạnh mẽ mô hình hoạt động của Công ty theo hướng hình thành các công ty con chuyên môn hóa từng hoạt động kinh doanh. Việc này đã góp phần huy động được một nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án.

Cùng với việc tái cấu trúc nội bộ hoạt động, từ cuối năm 2013, CII cũng đã triển khai hợp tác toàn diện với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam. Việc hợp tác toàn diện này đã góp phần để CII huy động được nguồn vốn tín dụng rất lớn. Bạn có thể thấy đấy, đến nay, tất cả các dự án lớn của CII đều được tài trợ tín dụng từ ngân hàng này.

Một bước đi tiếp theo của Công ty trong việc chuẩn bị nguồn vốn cho các dư án là CII sẽ tiếp tục phát hành các loại trái phiếu có thời hạn dài trong thời gian tới, trong đó, CII nhắm đến các tổ chức bảo hiểm, nơi có nguồn vốn ổn định và dài hạn. Đặc biệt, dưới sự bảo trợ của CII, trong quý I/2015, CII B&R sẽ phát hành trái phiếu có đảm bảo thanh khoản. Đây là loại trái phiếu mà chúng tôi tin rằng sẽ góp phần thay đổi nhu cầu đầu tư của người dân trong thời gian tới.

Trái phiếu có bảo đảm thanh khoản dường như là một sản phẩm hoàn toàn mới với các doanh nghiệp hiện nay. Mạnh dạn đi đầu trong cách huy động vốn mới này, ông có thể cho biết đâu là lý do CII tự tin sẽ thành công với phương án mới?

Chi tiết của phương án phát hành loại trái phiếu này sẽ được CII công bố trong thời gian tới, nhưng chắc chắn đây sẽ là một sản phẩm độc đáo lần đầu tiên có trên thị trường tài chính Việt Nam. Tổng quan của nó là, nhà đầu tư có thể đầu tư vào trái phiếu trong 1 ngày, 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng … và sẽ được hưởng lãi suất tương đương với lãi suất kỳ hạn 12 tháng (loại trả lãi sau) của Vietinbank cộng biên độ 0,5%/năm.

Thay vì gửi tiết kiệm cho ngân hàng với lãi suất thấp, người dân có thể đầu tư vào trái phiếu này để được hưởng lãi suất cao hơn. Đó là chưa nói đến tình huống người dân rút tiền gửi tiết kiệm trước hạn sẽ không được tính lãi suất có kỳ hạn. Trong khi đó, khi đầu tư vào trái phiếu, người dân sẽ được rút vào bất kỳ lúc nào, nhưng vẫn không bị giảm lãi suất được hưởng.

Đối với các doanh nghiệp có tiền nhàn rỗi trong thời gian ngắn, họ có thể chọn đầu tư vào trái phiếu này để được hưởng lãi cao hơn, thay vì chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn tại ngân hàng.

Đối với các ngân hàng có tiền nhàn rỗi, họ sẽ đầu tư vào trái phiếu này để có lãi suất tốt hơn, thay vì đi cho vay trên thị trường liên ngân hàng.

Rõ ràng, với nhu cầu đầu tư khá lớn của các thành phần như đã nêu trên, trong khi số lượng trái phiếu để đầu tư thì hạn chế, trái phiếu có bảo đảm thanh khoản này sẽ là một loại trái phiếu rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Nhắc đến CII, người ta nghĩ ngay đến DN số 1 về xây dựng hạ tầng giao thông và gần đây là tham vọng số 1 về hạ tầng nước thông qua công ty con Saigon Water. Có một thực tế là, không phải doanh nghiệp hạ tầng nào cũng có lãi. Ông có thể chia sẻ bí quyết để có được danh mục dự án hạ tầng tốt và đạt hiệu quả cao về mặt tài chính?

Thực ra, chúng tôi chẳng có bí quyết gì ghê gớm cả. Đơn giản là phải giải quyết được đồng bộ các vấn đề như: lựa chọn dự án tốt; phải biết lượng sức mình, không tham vọng đầu tư vào những dự án lớn trong khi khả năng huy động vốn của mình không theo kịp; nắm được khẩu vị của ngân hàng, các nhà đầu tư đồng hành cùng với mình.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải linh hoạt trong công tác huy động vốn, biết cách chuyển những dòng vốn ngắn hạn thành dài hạn và quan trọng nhất là phải xây dựng được lực lượng cán bộ có tâm huyết với các phần việc được giao.

Tin bài liên quan