Tổng giám đốc CII: “Không cam kết cổ tức 16%/năm nhưng nhìn dòng tiền thì việc này khá đơn giản”

Tổng giám đốc CII: “Không cam kết cổ tức 16%/năm nhưng nhìn dòng tiền thì việc này khá đơn giản”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là câu trả lời của ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII - sàn HOSE) khi được cổ đông hỏi về vấn đề cổ tức 16%/năm tại đại hội cổ đông bất thường vừa diễn ra.

Nguyên nhân không thể cam kết chắc chắn về cổ tức tiền mặt, ông Bình cho biết, là do yếu tố khách quan có thể ảnh hưởng đến việc thu phí cầu đường đều đặn của Công ty. Chẳng hạn như đợt dịch Covid vừa qua, cơ quan quản lý yêu cầu ngưng thu thì doanh nghiệp tắc dòng tiền, hay như quốc lộ 51 đang thu thì Cục quản lý đường bộ ra quyết định ngưng thu trong khi hai bên còn đang tranh luận thời gian thu phí. Vì vậy, nếu không có biến cố lớn thì CII có thể chi trả cổ tức 16%/năm.

Đối với việc đất Thủ Thiêm khi nào đấu giá, ông Bình cho biết, vấn đề này nằm ngoài kiểm soát của Công ty, tuy nhiên theo đánh giá của CII là không dễ sau sự cố Tân Hoàng Minh. CII còn khoảng 6 ha đất Thủ Thiêm đã có quyết định giá đất nhưng chưa giao đất. Đất Thủ Thiêm vướng mắc từ 2017 đến nay, nhưng vướng gì thì không rõ. Các kết luận thanh tra ghi rõ là tiếp tục triển khai dự án theo các hợp đồng đã ký, nhưng thực tế không triển khai được. Phần diện tích giao cho CII làm hợp đồng BOT đang vướng đền bù giải tỏa thi công hạ tầng, đồng nghĩa chậm nhận quỹ đất. Về danh nghĩa, đây vẫn là đất của CII nhưng khi nào chuyển thành đất thương mại được thì vẫn là câu hỏi chưa trả lời được trong nhiều năm qua.

Cũng tại Đại hội, ông Bình đã chia sẻ thêm về kế hoạch năm 2024, Công ty sẽ tập trung vào 4 dự án.

Thứ nhất là chốt thương vụ mua dự án BOT và tăng quy mô lên. Ông Bình tiết lộ, dự án này nằm trong trục đường nối các khu công nghiệp ở 5 tỉnh về cảng lớn nhất Việt Nam hiện nay. CII sẽ thi công một nút thắt trên trục đường này, tuyến đường mà các xe đều phải đi qua. Tuy nhiên, dự án quy mô hơi nhỏ nên đàm phán để nâng quy mô lên lớn hơn.

Thứ hai là dự án De Lagi đã được cấp phép 1/500. Thị xã Lagi sẽ chuyển thành thành phố trực thuộc tỉnh và kết nối từ TP.HCM vào cao tốc thời gian chạy xe là 2h15 phút. Nếu tuyến đường BOT mà CII triển khai xong thì kết nối còn 1h30 phút. Mô hình triển khai dự án này là khu nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe với nhiều phân khu khác nhau. CII đã làm việc với một số thương hiệu lớn để nâng chuẩn dự án cao cấp hơn song song với triển khai hạ tầng. Trong năm 2024, Công ty chủ yếu là chi tiền thực hiện chứ chưa có nguồn thu từ dự án này.

Dự án thứ ba là dự án nhà ở. Luật Đất đai 2024 vừa thông qua quy định dự án nếu có đất ở và đất khác thì được giao làm nhà ở thương mại, nếu chỉ có đất khác thì Nhà nước thu hồi để đấu thầu chọn nhà đầu tư. Trong đó, 2 dự án của của NBB (công ty con của CII) đều có đất ở và đất khác sẽ được chấp nhận chủ đầu tư làm nhà ở thương mại. Hiện nay, Công ty đã làm phần lớn thủ tục để được chấp thuận chủ trương đầu tư với 2 dự án này với quy mô 4.000 căn hộ, vốn đầu tư không dưới 10.000 tỷ đồng, nhưng để được cấp giấy phép xây dựng thì còn đoạn đường dài.

CII cũng quan tâm đến các dự án BOT ở TP.HCM. Tuy nhiên, ông Bình cho biết, hiện nay đấu thầu dự án BOT với CII có khó khăn là số lượng nhà đầu tư là doanh nghiệp xây lắp nhiều quá, họ tập trung vào lợi nhuận xây lắp là chính trong khi CII đầu tư phải tính toán đến cuối dự án thu được bao nhiêu, hiệu quả thế nào. Đây là vấn đề đau đầu với CII.

Ngoài ra, Đại hội cổ đông bất thường CII cũng đã thông qua các nội dung tờ trình liên quan đến các gói trái phiếu đã phát hành và chuẩn bị phát hành.

Tin bài liên quan