Tổng giám đốc BSR: Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tăng trưởng vượt bậc

Tổng giám đốc BSR: Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tăng trưởng vượt bậc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR - UPCoM) cho biết: "Hiện tại, BSR đã vượt xa so với kế hoạch và hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của năm 2022".

Đây là chia sẻ của ông Dương tại buổi Talkshow Chọn Danh mục kỳ 10 với chủ đề: Cơ hội phục hồi và ẩn số vàng đen do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức chiều nay (30/6).

Ông Dương cho biết, trong tuần này, giá dầu tiếp tục là thông tin được quan tâm trước các động thái mới từ các nước G7. Theo dự báo của các tổ chức uy tín trên thế giới thì hết quý II/2022, giá dầu đang ở mức trung bình 116 USD/thùng và có chiều hướng giảm vào các quý III và quý IV/2022, nhưng sẽ vẫn neo ở mức cao, khoảng 105 USD/thùng.

Có 3 yếu tố tác động đến giá dầu, thứ nhất là căng thẳng địa chính trị, xung đột Nga - Ukraine và các biến động về chính trị ở các khu vực khác như châu Phi, Lybia...

Yếu tố thứ 2 là về vấn đề khai thác của các tổ chức quốc tế như OPEC+, năng lực khai thác hiện nay của tổ chức này chưa thật sự đúng với dự báo hoặc với những gì OPEC+ đã cam kết.

Yếu tố nữa là do các nền kinh tế trên thế giới đang phục hồi sau Covid nhất là thị trường Trung Quốc khiến nhu cầu về sản phẩm xăng dầu và năng lượng tăng trở lại.

"Đây sẽ là những yếu tố đảm bảo giá dầu sẽ duy trì ở mức cao so với thời điểm hiện tại", ông Dương khẳng định.

Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR)

Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR)

Theo ông Dương, giá dầu tăng cao đối với lĩnh vực chế biến xăng dầu, đặc biệt là các nhà máy lọc dầu không phải là yếu tố thuận lợi vì tất cả các chi phí đều được tính nương theo giá dầu, từ chi phí từ hoá phẩm nguyên liệu, hoá phẩm xúc tác đến chi phí logistic, bảo hiểm...

Còn yếu tố lợi nhuận lại dựa trên thị trường, đó là yếu tố cung-cầu. Điều này được quyết định bởi các tổ chức quốc tế bởi họ sẽ đưa ra những bộ dự báo, được lấy làm căn cứ để tính lợi nhuận.

Chia sẻ thêm về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, ông Dương cho biết sẽ có nhiều thuận lợi. Bên cạnh giá dầu tăng so với dự báo thì chênh lệch giá giữa sản phẩm lọc và dầu thô (crack margin) là tương đối cao.

Nguyên nhân là do sự thiếu hụt nguồn cung dẫn đến việc phải cạnh tranh mua trên thị trường quốc tế, dẫn tới việc định giá cái giá bán sản phẩm tăng cao. Trên cơ sở đó, BSR cũng có rất nhiều thuận lợi trên cơ sở crack margin rất tốt trong 6 tháng đầu năm, đồng thời doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội so với kỳ vọng đặt ra ban đầu.

Cũng tại buổi Talkshow, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI đã có những nhận định về triển vọng của nhóm cổ phiếu dầu khí trong thời gian tới.

Theo bà Phương, nhóm cổ phiếu dầu khí thường có biến động rất sát với giá dầu. Thông thường đối với các ngành khác, giá cổ phiếu sẽ ứng với kết quả kinh doanh và triển vọng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với nhóm liên quan đến hàng hóa, giá cổ phiếu sẽ bám chặt với giá hàng hóa và ở nhóm cổ phiếu dầu khí cũng vậy.

Ví dụ, trong tháng 6 có đợt giá dầu tăng mạnh, ngay lập tức giá cổ phiếu nhóm dầu khí đã phản ánh rất nhanh, đồng pha với giá dầu. Tuy nhiên, sau khi giá dầu điều chỉnh thì nhóm cổ phiếu này cũng quay đầu giảm.

"Cổ phiếu ngành dầu khí khá khó để đầu tư, nhất là đầu tư trong ngắn hạn. Còn đầu tư trong dài hạn vẫn cần hiểu sự biến động của giá dầu. Nếu nhìn ngược trở lại, những ai đầu tư từ năm 2020 khi giá dầu ở mức siêu thấp do dịch Covid-19 thì đến giờ đã có những khoản lãi rất lớn", bà Phương nhấn mạnh.

Tin bài liên quan