Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC và Phó Chủ tịch Airbus phụ trách thương mại Eric Schulz ký Biên bản ghi nhớ ngày 26/3 tại Pháp, trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Pháp François de Rugy.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC và Phó Chủ tịch Airbus phụ trách thương mại Eric Schulz ký Biên bản ghi nhớ ngày 26/3 tại Pháp, trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Pháp François de Rugy.

Tổng giám đốc Bamboo Airways: 24 máy bay Airbus vẫn không đủ cho kế hoạch của chúng tôi

(ĐTCK) Ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, hãng có kế hoạch mở 24 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế cho đến năm 2023. Với kế hoạch này thì số lượng 24 máy bay nhận từ Airbus trong giai đoạn 2022-2025 thậm chí còn không đủ.

Bamboo Airways vừa ký hợp đồng thoả thuận chính thức với Airbus về việc đặt mua 24 tàu bay. Tuy nhiên, hiện Bamboo Airways vẫn chưa xin được giấy phép kinh doanh tại Việt Nam, Công ty có lo lắng về rủi ro không được cấp phép?

Để một hãng hàng không cất cánh, việc chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng là chuyện bình thường. Với Bamboo Airways, chúng tôi đã thai nghén trong 2 năm và đánh giá đây không phải rủi ro.

Hiện Bamboo Airways đang đi tới khâu cuối của việc hoàn thiện thủ tục cấp phép. Với chính sách “mở cửa bầu trời” cùng với định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, chúng tôi tin rằng, Bamboo Airways sẽ được ủng hộ.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng từng cho biết việc hạn chế cấp giấy phép kinh doanh mới là do tình trạng quá tải tại các sân bay Việt Nam, đặc biệt là Tân Sơn Nhất. Vấn đề này có hạn chế khả năng hoạt động của Bamboo Airways?

Trong đề án trình Chính phủ, chúng tôi nói rõ chiến lược Bamboo Airways tập trung chủ yếu vào các thị trường ngách, những thị trường chưa phát triển, có nhiều tiềm năng nhưng còn bỏ ngỏ.

Mục tiêu chính của Bamboo Airways là vận chuyển thẳng khách du lịch trong nước và quốc tế đến các điểm nghỉ dưỡng của FLC và của Việt Nam. 

Các đường bay trong nước, kết nối trực tiếp tới các điểm du lịch như đường bay Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Phú Quốc, Thanh Hóa - Nha trang, Hải Phòng - Quy Nhơn... khẳng định sẽ giảm áp lực hạ tầng cho hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Bên cạnh đó, trước áp lực quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất, Chính phủ cũng đã có giải pháp cho việc này: dự án mở rộng và nâng cao công suất của Sân bay Tân Sơn nhất lên thêm 40-50% cũng đã được xem xét và phê duyệt. 

Bên cạnh đó, Sân bay Long Thành với công suất khi đi vào hoạt động gần gấp đôi Tân Sơn Nhất, cũng giúp giảm tải rất nhiều. Khi đó, Long Thành sẽ trở thành điểm khai thác chính các tuyến quốc tế.

Bên cạnh việc xin giấy phép kinh doanh, một vấn đề các hãng hàng không quan tâm đó là chỗ đỗ tốt tại các sân bay. Bamboo Airways đã đặt vấn đề với các đơn vị cung cấp dịch vụ sân bay để có chỗ đỗ tốt chưa?

Bamboo Airways đã đàm phán và có các hợp đồng ghi nhớ với các đối tác dịch vụ ở sân bay. Về phần chỗ đỗ, Bamboo Airways đang xúc tiến gặp lãnh đạo các cảng hàng không và Tổng công ty Cụm cảng hàng không ACV và Cục Hàng không. Chúng tôi quyết định chọn Sân bay Phù Cát, Quy Nhơn, Bình Định làm trụ sở, do đó, sẽ hạn chế đỗ ở 2 sân bay Hà Nội và TP. HCM.

Tổng giám đốc Bamboo Airways: 24 máy bay Airbus vẫn không đủ cho kế hoạch của chúng tôi ảnh 1

 Ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways.

Hơn nữa, theo quy hoạch phát triển cảng hàng không của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ quy hoạch và phát triển mạng lưới 28 sân bay trong cả nước, đứng nhóm trong 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về cảng hàng không về sản lượng vận chuyển.

Trước mắt, đến năm 2020, khai thác hệ thống 23 cảng hàng không gồm 13 cảng quốc nội và 10 cảng quốc tế trong đó Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh là cửa ngõ quốc tế. Sân bay Cam Ranh (Nha Trang), sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), sân bay Đồng Hới, Phù Cát Bình Định,… đều đang được cải tạo, xây dựng mới và nâng công suất, như vậy các hãng hàng không mới không phải lo lắng về chỗ đỗ cho máy bay.

Như ông chia sẻ thì mục tiêu mở ra Bamboo Airways chủ yếu phục vụ cho hoạt động du lịch tới các khu resort do Tập đoàn FLC xây dựng. Tuy nhiên, nếu mục đích gói gọn như vậy, số lượng 24 máy bay dường như là quá nhiều?

Bamboo Airways có kế hoạch mở 24 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế cho đến năm 2023. Với kế hoạch này, số lượng 24 máy bay nhận từ Airbus trong giai đoạn 2022-2025 thậm chí còn không đủ .

Trước mắt, 6 quần thể đã đi vào hoạt động, đón lượng khách lớn của FLC sẽ góp phần đảm bảo tỷ lệ khai thác tiềm năng dành cho Bamboo Airways, chưa kể một chuỗi các quần thể nghỉ dưỡng đang được hoạch định để phát triển trong tương lai.

Nhìn ra các thị trường trong khu vực, chúng ta thấy Đài Bắc (Trung Hoa) là vùng lãnh thổ chỉ có 30 triệu dân, nhưng có 3 hãng hàng không phát triển. Hàn Quốc hơn 50 triệu dân, có 4 hãng hoạt động. Thái Lan 60 triệu dân có trên 10 hãng hàng không. 

Do đó, Việt Nam với thị trường gần 100 triệu dân mà mới có 3 hãng hàng không, dư địa còn rất nhiều, 2 hãng hàng không nữa được cấp phép cũng vẫn đủ.

Hai hãng hàng không có thể chưa đủ, nhưng thực tế đã cho thấy, nhiều hãng hàng không từng có ý định tham gia thị trường đều thất bại, phải đóng cửa như Mekong Air là một ví dụ. Bamboo Airways có chuẩn bị một chiến lược nào để cạnh tranh không?

Để thành công, một chiến lược kinh doanh cần hội tụ nhiều yếu tố: bám vào các điểm du lịch, chọn loại máy bay nào? Hệ thống công nghệ hỗ trợ vận hành, nhân sự…

Chúng tôi có nghiên cứu những thành công và thất bại của các mô hình và tự tìm ra những lời giải riêng cho mình. Một điểm mạnh của Bamboo Airways là có sự hỗ trợ rất nhiều từ Tập đoàn FLC, không chỉ về tài chính mà cả một hệ sinh thái du lịch với chuỗi khu nghỉ dưỡng đã đi vào hoạt động và hàng loạt dự án đang được triển khai.

Sự tương hỗ này cho phép chúng tôi phát triển dịch vụ ở "cả hai đầu". Tức là Bamboo Airways có thể phát hành những gói ưu đãi về giá cho khách hàng chơi golf và nghỉ dưỡng tại quần thể FLC. Ngược lại, khách của các quần thể cũng sẽ được khuyến mại khi chọn di chuyển bằng Bamboo Airways.

Với Bamboo Airways, du lịch địa phương sẽ phát triển, không chỉ bằng những dự án chúng tôi đầu tư, mà còn kết nối vận chuyển để đưa khách tới nhiều địa phương tiềm năng sẽ có lực đẩy phát triển khi Bamboo Airways mở đường bay. Qua đó, chúng tôi sẽ không sợ thiếu nguồn khách.

Kế hoạch dài hơi của Bamboo Airways chắc chắn sẽ cần nguồn vốn lớn để thực hiện. Công ty mới có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, để mua 24 máy bay trong thời gian tới, Bamboo Airways dự kiến sẽ huy động nguồn tài chính từ đâu?

Bamboo Airways là công ty con của Tập đoàn FLC, do đó, Tập đoàn cam kết sẽ hỗ trợ một phần nguồn tài chính cho Bamboo Airways trong những năm đầu hoạt động, tiền đặt cọc và trả góp cho việc mua máy bay cho đến thời gian nhận máy bay.

Về dài hạn, chúng tôi đã đang làm việc với nhiều đối tác và nhận được sự quan tâm của một số tổ chức tín dụng, các quỹ tài chính trong nước và quốc tế.

Hiện tại, giá dầu đang tăng và làm suy giảm lợi nhuận của các hãng hàng không. Bamboo Airways đánh giá thế nào về yếu tố này?

Như các bạn đã biết, các hãng hàng không trước bối cảnh giá dầu thế giới đang tăng chắc chắn sẽ bị suy giảm lợi nhuận, thậm chí còn phải chịu lỗ. Chúng tôi sẽ kết hợp đưa công nghệ vào để giải quyết bài toán nhằm kiểm soát và giảm chi phí vận hành. 

Bên cạnh đó, chúng tôi đã nghiên cứu để thuê và mua những loại máy bay hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường.

Việc chủ động nguồn nhiên liệu cũng không thể không tính đến. Chúng tôi có phương án và đã tìm hiểu các kênh để bảo hiểm giá nhiên liệu để có thể xây dựng kế hoạch ổn định nguồn nhiên liệu nhằm đảm bảo tính hiệu quả cho kinh doanh.

Tin bài liên quan