Dự án Nhà máy Thép Thái Nguyên giai đoạn 2 giờ chỉ là đống sắt vụn.

Dự án Nhà máy Thép Thái Nguyên giai đoạn 2 giờ chỉ là đống sắt vụn.

Tổng công ty Thép nặng gánh dự án Gang thép Thái Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những cá nhân sai phạm trong dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đã bị truy tố, nhưng hệ lụy mà Tổng công ty Thép Việt Nam và Công ty Thép Thái Nguyên đang gánh chịu là rất nặng nề.

Mới đây, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra cáo trạng truy tố 19 bị can trong vụ án này.

Theo cáo trạng, mặc dù nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn Công nghiệp MCC có nhiều vi phạm hợp đồng nhưng Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS, mã chứng khoán TVN) và Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO, mã chứng khoán TIS) không xem xét chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng. Thậm chí, còn tiếp tục điều chỉnh hợp đồng, thanh toán cho nhà thầu phụ, tạo điều kiện để nhà thầu Trung Quốc có lý do chối bỏ trách nhiệm.

Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định, dàn lãnh đạo VNS và TISCO gồm Mai Văn Tinh (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị VNS), Trần Trọng Mừng (Tổng giám đốc TISCO)… vi phạm hàng loạt quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát hơn 830 tỷ đồng. Con số này được lấy ra từ chính khoản lãi mà TISCO đã phải vay các ngân hàng để thực hiện dự án.

Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là 3.834 tỷ đồng. Năm 2013, liên quan đến những sai phạm khi thực hiện, dự án bị đội vốn lên 8.104 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

TISCO vốn là doanh nghiệp thuộc VNS được cổ phần hóa từ năm 2009, hiện có vốn điều lệ 1.840 tỷ đồng, nhà nước sở hữu 65% (đại diện là VNS góp 1.196 tỷ đồng), ngành nghề kinh doanh chính là thép cán kéo các loại.

Tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên, VNS là cấp quyết định đầu tư, TISCO làm chủ đầu tư. Nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn Khoa học công nghệ và thương mại luyện kim – MCC trúng thầu dự án trị giá 160,8 triệu USD và được chủ đầu tư TISCO ứng trước 35,6 triệu USD.

Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là 3.834 tỷ đồng. Năm 2013, liên quan đến những sai phạm khi thực hiện, dự án bị đội vốn lên 8.104 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Dự án chậm tiến độ nhiều năm và đang chờ đường hướng xử lý từ cấp có thẩm quyền. Còn chủ đầu tư đang chịu gánh nặng tài chính.

Theo cáo trạng, tính đến ngày 31/12/2018, TISCO đã chi 4.423 tỷ đồng thực hiện dự án, bao gồm vốn chủ đầu tư 1.335 tỷ đồng, vay Ngân hàng VDB 1.404 tỷ đồng, Vietinbank Hà Nội 1.684 tỷ đồng. TISCO đã trả lãi cho các ngân hàng 830 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của TISCO và VNS thể hiện, thời điểm 31/12/2020, tổng giá trị đầu tư của dự án đã thực hiện là 5.665,15 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay vốn hóa là 2.507,3 tỷ đồng. Nợ phải trả ngắn hạn của TISCO vượt quá tài sản ngắn hạn 3.213 tỷ đồng. Một phần nợ gốc và chi phí lãi vay phải trả ngân hàng liên quan đến dự án cải tạo Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đã quá hạn thanh toán.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 của TISCO ghi nhận, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm qua đạt 9.592 tỷ đồng, giá vốn hàng bán chiếm 9.109 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 222 tỷ đồng; chi phí lãi vay là 155 tỷ đồng.

Như vậy, báo cáo tài chính của TISCO cho thấy, Công ty đang không phải "gánh" lãi vay cho khoản nợ đầu tư dự án giai đoạn 2. Đây chính là ẩn số mà nhà đầu tư cần lưu ý.

Tại ngày 31/12/2020, TISCO ghi nhận khoản phải trả người bán liên quan dự án này là 280 tỷ đồng, trong đó nhà thầu MCC là 122 tỷ đồng.

Trong khi đó, kết quả kinh doanh của VNS năm 2020 chưa kiểm toán ghi nhận lãi 516 tỷ đồng.

Theo chỉ đạo của Bộ Công thương năm 2017, VNS xây dựng phương án thoái 80 triệu cổ phần tại TISCO (tương đương 42,48% vốn điều lệ TISCO) trong quý I/2018. Ngày 13/5/2019, Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thông báo về việc chỉ đạo phương án thoái vốn tại TISCO theo thông báo số 132/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ 7 Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ thuộc ngành công thương.

Cho đến nay, phương án thoái vốn chưa được chốt, còn VNS vẫn đang “treo nợ” khoản đầu tư vào TISCO khiến nhà đầu tư e ngại về bức tranh tài chính của Tổng công ty.

Tin bài liên quan