Tổng công ty Sông Hồng có còn đủ sức cho thoái vốn?

Tổng công ty Sông Hồng có còn đủ sức cho thoái vốn?

(ĐTCK) Thua lỗ kéo dài khiến vốn chủ sở hữu âm trên 600 tỷ đồng, tính khả thi của kế hoạch bán 49% vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Hồng (thuộc Bộ Xây dựng) đang được đặt dấu hỏi.   

Báo cáo tài chính quý III/2019 của công ty mẹ Tổng công ty Sông Hồng vừa công bố cho thấy bức tranh kinh doanh bi đát hơn so với trên báo cáo tài chính bán niên.

Trong kỳ, Tổng công ty lỗ gần 16 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên gần 956 tỷ đồng. Với mức thua lỗ đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đã âm tới 628,5 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 9, Tổng công ty có khoản nợ phải trả lên tới hơn 1.635 tỷ đồng, hầu như không giảm so với con số hơn 1.644 tỷ đồng hồi đầu năm nay. Trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 1.138 tỷ đồng, nợ dài hạn là 497,4 tỷ đồng.

Ban Tổng giám đốc thừa nhận, do không có khả năng thanh toán khoản nợ, bị ngân hàng xếp vào tín dụng xấu nên doanh nghiệp không đủ điều kiện về năng lực để tham gia các gói thầu nhằm tạo thêm nguồn tài chính cho công ty mẹ và các công ty thành viên. Quý III, Tổng công ty chỉ có khoản doanh thu gần 1,5 tỷ đồng.

Ông Lã Tuấn Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty Sông Hồng cho biết, hiện nay, doanh thu và sản lượng được duy trì chủ yếu là chuyển tiếp dở dang từ các năm trước sang có hiệu quả thấp, lãi vay lớn.

Công ty mẹ và tổ hợp các công ty thành viên vẫn tiếp tục mất khả năng thanh toán nghiêm trọng do nợ phải trả cho công trình Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và nợ phải trả liên quan đến các nghĩa vụ bảo lãnh cho các công ty con.

Cũng theo đại diện Ban Tổng giám đốc, sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp không triển khai được dự án đầu tư, không có hợp đồng thi công xây lắp, dẫn tới thua lỗ triền miên.

Ðể khắc phục tình trạng này, Ban Tổng giám đốc đã thực hiện một số giải pháp khẩn cấp như tái cơ cấu Tổng công ty thông qua việc chuyển nhượng phần vốn tại các công ty con, công ty liên kết về mức 36% hoặc bán hết vốn nhà nước vào năm 2018, đồng thời tăng vốn điều lệ từ 270 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu phổ thông. Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa có triển vọng phục hồi. 

Tình trạng kiệt quệ của Tổng công ty Sông Hồng và các đơn thành viên đã được Công ty Kiểm toán CPA Việt Nam cảnh báo trước đó trên báo cáo soát xét bán niên 2019.

Theo đó, CPA Việt Nam cho biết, dù đã thực hiện các thủ tục kiểm toán thay thế nhưng vẫn không thể khẳng định được các khoản công nợ phải thu, phải trả, không đánh giá được khả năng thu hồi nợ, khả năng thanh toán nợ đến thời điểm thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính…

Kiểm toán viên cũng đưa ra ý kiến lưu ý về việc không xác định được tác động của các khoản nợ theo kết luận thi hành án đến tình hình tài chính của doanh nghiệp, trong đó có bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 45 ngày 12/4/2018 của Toà án nhân dân TP. Hà Nội về việc Tổng công ty phải tiếp tục trả khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc 95,43 tỷ đồng chưa thanh toán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

Trong Công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ gần đây, đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Hồng, ông Trần Huyền Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, tính đến cuối tháng 6/2019, phần vốn nhà nước còn lại tại Tổng công ty là 132,4 tỷ đồng, chiếm 49,04% vốn điều lệ.

Nếu tình trạng kinh doanh thua lỗ kéo dài thêm một thời gian ngắn nữa không có cải thiện thì không thể tránh khỏi việc Công ty buộc phải tuyên bố phá sản và mất trắng toàn bộ vốn nhà nước.

Ðể vớt vát được số vốn nhà nước còn lại, vừa qua, Tổ đại diện phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty đã trình Bộ Xây dựng phê duyệt kế hoạch thoái vốn gấp trong năm 2019 thông qua phương thức đấu giá công khai.

Ðiều đáng quan tâm là, doanh nghiệp này cũng có mặt trong danh mục doanh nghiệp đề nghị thoái vốn đến 2020 đang được trình Thủ tướng Chính phủ.

Với thực trạng tài chính, kinh doanh hiện nay của Tổng công ty Sông Hồng, thị trường đặt câu hỏi kịch bản thoái vốn sẽ như thế nào để khả thi?

Tin bài liên quan