Tập trung tái cấu trúc
Sau khi phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty Sông Đà được bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC (vào tháng 8/2020), cổ đông lớn đã phối hợp với Sông Đà thuê tư vấn rà soát, đánh giá toàn bộ hệ thống (công ty mẹ và các đơn vị thành viên) về năng lực tài chính và năng lực ngành nghề cốt lõi (xây dựng, kinh doanh khai thác thủy điện, bất động sản).
Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Sông Đà và các công ty con đã được thực hiện theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 360/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở định hướng hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty mẹ và các công ty con giai đoạn 2023 - 2027.
Ngành nghề kinh doanh chính là thuỷ điện bị thu hẹp do các dự án thuỷ điện lớn tại Việt Nam không còn, SCIC đã yêu cầu Sông Đà và người đại diện vốn tại các đơn vị có vốn góp củng cố hoạt động thi công các công trình hầm, thuỷ điện; mở rộng hoạt động thông qua tìm kiếm các dự án mới ở nước ngoài; từng bước chuyển đổi cơ cấu sản xuất tại một số đơn vị xây lắp để có thể thi công các công trình, dự án thuộc các lĩnh vực hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, khu công nghiệp, nhà dân dụng...
Đối với các doanh nghiệp sở hữu thuỷ điện, SCIC yêu cầu các doanh nghiệp này vận hành hiệu quả các nhà máy hiện có, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và nghiên cứu các dự án mở rộng công suất phát điện của các thuỷ điện hiện nay.
Năm qua, Tổng công ty đã đẩy mạnh các dự án công trình trong và ngoài nước, bao gồm dự án Thuỷ điện Yaly mở rộng, dự án Thuỷ điện Tanahu - Nepal, một số gói thầu của dự án cao tốc Bắc Nam, dự án đường sắt Ấn Độ...
Nhận diện rủi ro tài chính là vấn đề lớn nhất của Sông Đà, thời gian qua, Tổng công ty triển khai nhiều giải pháp cơ cấu tài chính (tập trung thu hồi công nợ, cổ tức và tái cấu trúc một số khoản đầu tư), bán một số khoản đầu tư, khai thác các công cụ tài chính để thu xếp dòng tiền thanh toán nợ, đặc biệt là xử lý khoản nợ trái phiếu từ năm 2017 có dư nợ gốc là 1.040 tỷ đồng…
Lãnh đạo Sông Đà xác định, trong thời gian tới, Tổng công ty tiếp tục triển khai các giải pháp tái cấu trúc tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động.
“Bên cạnh đó, Sông Đà cần tăng cường chất lượng nguồn nhân sự đặc biệt là nhân sự chủ chốt tại công ty mẹ và tại các đơn vị có vốn góp. Đây là giải pháp then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động và triển khai có hiệu quả định hướng phát triển của công ty mẹ và các đơn vị", ông Trần Văn Tuấn, Tổng giám đốc Sông Đà cho biết.
Dự kiến chia cổ tức 2022 ở mức 10%
Các giải pháp tái cấu trúc tài chính của Tổng công ty Sông Đà cơ bản đạt được mục tiêu đề ra: thanh toán được các khoản nợ vay đến hạn, năng lực tài chính của Sông Đà và các đơn vị có vốn góp được cải thiện.
Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp là 14.547 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 17.072 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Trong khi đó, vốn chủ sở lại tăng 1.758 tỷ đồng so với cuối năm 2021, đạt 9.123 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu từ mức hơn 2,3 lần vào cuối năm 2021 giảm xuống còn gần 1,6 lần vào cuối năm 2022.
Năm qua, Tổng công ty đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh, với tổng doanh thu hợp nhất 9.304 tỷ đồng, bằng 136% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 2.176 tỷ đồng, bằng 521% kế hoạch. Tại đại hội cổ đông thường niên 2023, tổ chức vào cuối tuần này (9/6), Hội đồng quản trị Sông Đà sẽ trình cổ đông phương án trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt, với tỷ lệ 10%.
Lợi nhuận của Sông Đà tăng trưởng mạnh trong năm qua một phần là nhờ các nhà máy thủy điện của Tổng công ty đều đạt và vượt kế hoạch sản lượng đề ra. Đặc biệt, Tổng công ty đã thoái vốn thành công khoản đầu tư tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) và Công ty cổ phần Thủy điện Sử Pán ở thời điểm hợp lý đã đem lại hiệu quả lớn, góp phần cải thiện đáng kể tình hình tài chính cho Tổng công ty.
Riêng thương vụ bán 36,65% cổ phần tại Sudico (41,7 triệu cổ phiếu SJS), với giá 102.000 đồng/cổ phiếu, ước tính Tổng công ty Sông Đà thu được 4.258 tỷ đồng, ghi nhận khoản lãi hơn 3.386 tỷ đồng so với tổng giá trị vốn đầu tư.
Năm qua, Sông Đà tập trung giải quyết các vướng mắc tồn đọng với chủ đầu tư, hoàn thành cơ bản công tác thanh quyết toán và thanh lý hợp đồng tại các công trình, dự án lớn do Tổng công ty làm tổng thầu. Đặc biệt, Tổng công ty đã chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để hoàn thành công tác đầu tư và đưa dự án Nhà máy thủy điện Xêkaman 3 vào phát điện.
Năm 2023, Tổng công ty Sông Đà dự kiến đạt doanh thu 6.320 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 550 tỷ đồng.
Năm 2023, Sông Đà đặt mục tiêu hoàn thành quyết toán, bàn giao vốn Nhà nước sang công ty cổ phần; hoàn thành dứt điểm công tác quyết toán một số hợp đồng tổng thầu với chủ đầu tư và các nhà thầu thi công; thực hiện có hiệu quả công tác thu vốn, thu nợ; tập trung tiếp thị đấu thầu đảm bảo đủ việc làm; thoái vốn theo kế hoạch được phê duyệt.
Hội đồng quản trị dự kiến trình cổ đông kế hoạch năm 2023 với các chỉ tiêu cơ bản: tổng giá trị sản xuất - kinh doanh 6.880 tỷ đồng, doanh thu 6.320 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 550 tỷ đồng. Quý đầu năm nay, Sông Đà ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất 74,7 tỷ đồng, tăng 26,71% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng giám đốc Trần Văn Tuấn cho biết, Sông Đà tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo tiến độ, chất lượng thi công và an toàn các công trình theo hợp đồng đã ký với chủ đầu tư; trong đó, đẩy mạnh thi công các công trình đã đủ điều kiện thi công (nguồn vốn, thiết kế, mặt bằng…).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh công tác tiếp thị, đấu thầu, tìm kiếm việc làm để bù đắp sản lượng thiếu hụt chưa có hợp đồng theo kế hoạch năm 2023 đề ra, cũng như chuẩn bị việc làm cho những năm tiếp theo; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ các chi phí, đảm bảo sản xuất – kinh doanh có hiệu quả, tích lũy vốn để phát triển.