Ảnh Internet

Ảnh Internet

Tổng công ty Sản xuất Xuất nhập khẩu Bình Dương (PRT): Nhiều điểm bất thường trong báo cáo tài chính

(ĐTCK) Lãnh đạo vướng vòng lao lý do sai phạm về đất, báo cáo tài chính của Tổng công ty Sản xuất xuất nhập khẩu Bình Dương (PROTRADE, mã PRT) cũng cho thấy những điểm bất thường khiến dư luận đặt câu hỏi về tính minh bạch thông tin, cũng như dấu hiệu trục lợi.  

PRT tiền thân là Xí nghiệp Sản xuất hàng cao su 3-2 Sông Bé, vốn được xem là 1 trong 3 trụ cột của thành phần kinh tế nhà nước tại tỉnh Bình Dương.

Công ty ra đời vào năm 1982, sau gần 20 năm hoạt động, PRT hiện có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng, trồng và chế biến mủ cao su, logictis, sân golf… PRT được cổ phần hóa vào năm 2015, bắt đầu giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM từ ngày 7/5/2018.

Khi tiến hành cổ phần hóa, kiểm toán xác định lại giá trị thực tế tài sản và phần vốn nhà nước thì phát hiện số liệu chênh lệch hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, tổng giá trị tài sản trên sổ sách là 3.147 tỷ đồng, khi xác định lại là 4.346 tỷ đồng (chênh lệch 1.198 tỷ đồng), tương ứng là phần vốn nhà nước thực tế tăng lên là 1.773 tỷ đồng (PRT chỉ xác định là 575 tỷ đồng).

Tại bản cáo bạch, các khoản chênh lệch chủ yếu liên quan đến khoản đầu tư tài chính dài hạn, trong đó khoản đầu tư vào công ty con, với số tiền vênh là 612 tỷ đồng. PRT cũng không xác định giá trị lợi thế gồm giá trị thương hiệu và tiềm năng phát triển.

Một điểm bất thường khác là khoản đầu tư vào CTCP Ðầu tư và phát triển Tân Thành (vốn điều lệ 480 tỷ đồng, PRT nắm giữ 30% vốn). Tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, giá trị khoản đầu từ này vào khoảng 192 tỷ đồng.

Trong khi đó, văn bản giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 25/7/2019 và báo cáo tài chính soát xét bán niên Công ty mẹ năm 2019 thể hiện, PRT đã mua lại 9,12 triệu cổ phần, tương ứng 19% vốn điều lệ Công ty Tân Thành, đơn giá mua là 105.737 đồng/cổ phần.

Tuy nhiên, khi định giá lại thì giá trị tài sản gồm quyền sử dụng đất, công trình xây dựng trên đất và máy móc thiết bị của Công ty Tân Thành lên tới 5.744 tỷ đồng (do Công ty TNHH Thẩm định giá Hoàng Quân định giá), tức đã vượt 5.904 tỷ đồng so với khi góp vốn.

Ðáng chú ý, ở thương vụ này, PRT đã nhận chuyển nhượng 1,92 triệu cổ phần từ CTCP Hưng Vượng với giá tương tự và ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch HÐQT PRT cũng là Thành viên HÐQT Công ty Hưng Vượng. Góp vốn rẻ, mua lại đắt…, những dữ liệu về hành động của PRT khiến nhà đầu tư e ngại cổ phiếu PRT vì sự thiếu minh bạch của doanh nghiệp.

Theo bản cáo bạch, PRT được giao quản lý quỹ đất rất lớn, lên tới hơn 2,544 triệu m2 gồm đất được giao và đất thuê như Khu liên hợp dịch vụ và đầu tư Bình Dương (Sân golf Thái Hòa) với diện tích hơn 1,45 triệu m2; Nhà máy Giấy Vĩnh Phú diện tích 45.653 m2; Nhà máy Nước đá Dĩ An diện tích 2.154 m2; Khu vành đai sân gôn diện tích 16.583 m2… Lợi thế về đất đóng góp không nhỏ vào kết quả kinh doanh Tổng công ty những năm gần đây.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 (chưa kiểm toán) cho biết, lũy kế cả năm 2019, PRT đạt 1.673 tỷ đồng doanh thu thuần và 381 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tổng tài sản đạt 5.882 tỷ đồng,  vốn chủ sở hữu là 3.403 tỷ đồng và vốn góp là 3.000 tỷ đồng.

PRT có khoản nợ tiềm tàng 409,4 tỷ đồng là nghĩa vụ tài chính phải nộp bổ sung xuất phát từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước khu vực IV năm 2017 xác định, dự án Khu dịch vụ được giao đất từ năm 2012-2013 phải nộp bổ sung thêm 200,9 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 208,5 tỷ đồng là tiền phạt chậm nộp.

Ngày 8/4 vừa qua, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch HĐQT và ông Trần Nguyên Vũ Tổng giám đốc PRT để điều tra về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. 

Cơ quan chức năng cũng khởi tố (nhưng cho tại ngoại và cấm đi khỏi nơi cư trú) đối với ông Huỳnh Thanh Hải, nguyên là Thành viên HĐQT PRT, đại diện vốn góp của Nhà nước tại Công ty Tân Phú, hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và quản lý dự án Bình Dương.

Quá trình điều tra xác định, các lãnh đạo PRT đã tự ý lấy khu đất 43ha đất tại phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (hiện đang thực hiện dự án Khu đô thị Tân Phú) là tài sản công để góp vốn, gây thất thoát gần 127 tỷ đồng. 

Tính đến tháng 2/2020, PRT có 4 cổ đông lớn là Công ty TNHH MTV Đầu tư và quản lý dự án Bình Dương sở hữu 182.927.400 cổ phiếu (tỷ lệ 60,976% vốn); Công ty TNHH Phát Triển sở hữu 45 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 15% vốn); CTCP Sam Holdings sở hữu 24 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 8% vốn) và CTCP Đầu tư U&I sở hữu 18 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 6% vốn).

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PRT có thanh khoản rất èo uột, trung bình chỉ vài trăm đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên, thậm chí nhiều phiên liên tục không có cổ phiếu được giao dịch. Hiện thị giá PRT ở quanh mức 17.000 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan