Tổng công ty Minh Tân tranh chấp Trường trung cấp Y dược Văn hiến: Tạm dừng phiên tòa phúc phẩm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty khởi kiện 2 Phó hiệu trưởng Trường trung cấp Y dược Văn hiến và chỉ đòi tài sản trên đất… nhưng tòa án sơ thẩm lại buộc các bị đơn trả cả diện tích đất gần 10.000 m2.  
Tổng công ty Minh Tân tranh chấp Trường trung cấp Y dược Văn hiến: Tạm dừng phiên tòa phúc phẩm

Từ ngày 25/8/2020, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xem xét theo trình tự phúc thẩm vụ tranh chấp kiện đòi tài sản giữa Tổng công ty Minh Tân – công ty cổ phần và 2 Phó hiệu trường Trường trung cấp Y dược Văn Hiến là ông Đàm Lê Đồng và ông Vũ Ngọc Kha. Do ông Đàm Lê Đồng đã mất nên người thừa kế là bà Nguyễn Thị Hinh tham gia tố tụng.

Trường Trung cấp Y dược Văn Hiến có vốn điều lệ 2,1 tỷ đồng, từng trải qua 3 lần chuyển đổi loại hình hoạt động. Cổ đông góp vốn gồm ông Nguyễn Đức Tâm (Chủ tịch HĐQT trường kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Minh Tân), ông Đàm Lê Đồng và ông Vũ Ngọc Kha.

Còn Tổng công ty Minh Tân tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng giao thông – thủy lợi Minh Tân. Công ty được UBND tỉnh Thanh Hóa giao diện tích gần 10.000 m2 tại xã Quảng Tích, huyện Quảng Xương để xây dựng dự án Trường Trung cấp Y dược Văn Hiến.

Cách đây 5 năm, nhà trường xảy ra hàng loạt sai phạm liên quan đến Chủ tịch HĐQT và các quyết định trái luật của UBND tỉnh Thanh Hóa. Cũng từng đó năm, nhà trường phải tạm dừng hoạt động và hiện nay phải tiếp tục theo đuổi vụ kiện với Tổng công ty Minh Tân.

Những lùm xùm trên bắt nguồn từ quyết định số 1868 ngày 18/6/2009 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thành lập Trường trung cấp Y dược Văn hiến với nội dung trường là đơn vị ngoài công lập “thuộc Công ty cổ phần Minh Tân”.

Các cổ đông là ông Kha và ông Đồng khiếu nại về tư cách pháp nhân của trường và quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Ngày 27/4/2017, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có quyết định số 619 giải quyết khiếu nại, khẳng định “Công ty Minh Tân không góp vốn xây dựng trường; trường không sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị của công ty”.

Đại diện của Công ty Minh Tân cũng thừa nhận, việc góp vốn là việc cá nhân ông Nguyễn Đức Tâm. Đến tháng 6/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định sửa đổi quyết định trên ghi rõ “trường không trực thuộc công ty”.

Tuy nhiên, Công ty Minh Tân vẫn khởi kiện ra tòa án vì cho rằng công ty là đơn vị sáng lập ra trường để buộc ông Đàm Lê Đồng và Vũ Ngọc Kha bàn giao tài sản trên đất. Đồng thời yêu cầu hủy một phần quyết định số 619 về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị tại trường.

Trớ trêu là công ty chỉ khởi kiện buộc ông Đồng và ông Kha trả lại tài sản là toàn bộ nhà cửa, vật kiến trúc, trang thiết bị giảng dạy, trang thiết bị văn phòng của trường, nhưng bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa năm 2019 tuyên buộc trả lại tài sản và diện tích đất cho công ty.

Bất cập khác là HĐQT của Trường trung cấp nghề Y Dược Văn Hiến gồm 5 người. Tuy nhiên, Công ty chỉ khởi kiện đối với ông Kha và ông Đồng.

Việc nhập nhèm trong quản trị giữa công ty và nhà trường đã dẫn đến chuyện hai bên không tách bạch đâu là tài sản của nhà trường và công ty. Đại diện công ty cho rằng cho nhà trường “mượn đất” để sử dụng nhưng không xuất trình chứng cứ hợp đồng cho thuê đất.

Các cổ đông khẳng định nhà trường là pháp nhân độc lập, có con dấu, tài sản riêng. Việc giao đất là để xây dựng trường. Việc ông Nguyễn Đức Tâm không họp HĐQT lấy kiến các thành viên, không sử dụng con dấu của trường để lập tờ trình xin giao đất là vi phạm quyền lợi của nhà trường.

Cổ đông đã yêu cầu hủy quyết định giao đất cho Công ty Minh Tân nhưng không được tòa án sơ thẩm chấp nhận.

Nếu với quyết định của bản án sơ thẩm, các cổ đông sẽ “trắng tay” vì năm 2009, Công ty Minh Tân đã thế chấp tài sản hình thành trên khu đất trên để vay vốn Ngân hàng Phát triển Việt Nam – VDB vay số tiền 9 tỷ đồng. Công ty không thanh toán nợ đầy đủ nên ngân hàng đang rốt ráo đòi phát mại tài sản. Do đó, các cổ đông đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Phiên tòa phúc thẩm đang phải tạm dừng để các bên tiếp tục xuất trình thêm các chứng cứ để tách bạch tài sản của trường và công ty.

Các cổ đông cho rằng, từ năm 2009-2012, nhà trường thu 56 tỷ đồng từ công tác đào tạo, tuyển sinh… Ông Nguyễn Đức Tâm đã để ngoài sổ sách hơn 17,3 tỷ đồng. Cổ đông yêu cầu ông Tâm phải trả lại số tiền trên cho các cổ đông. Tòa án sơ thẩm giành quyền cho các đương sự khởi kiện vụ án khác.

Tin bài liên quan