Thủ tướng vừa phê duyệt điều chỉnh vốn điều lệ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2017-2019 từ 2.268 tỷ đồng lên 3.250 tỷ đồng theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải.
Nguồn bổ sung vốn điều lệ tăng thêm lấy từ khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu so với vốn điều lệ tại thời điểm kết thúc niên độ tài chính 2016, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại công ty mẹ, quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận sau thuế từ năm nay trở đi, tài sản gói EP thuộc Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt tuyến Hà Nội - TP HCM…
Việc tăng vốn điều lệ giúp Tổng công ty có thêm nguồn lực để đầu tư dự án 100 đầu máy công suất lớn nhằm giảm thời gian chạy tàu và nâng sản lượng vận chuyển hành khách đến năm 2020 lên gấp đôi hiện nay, qua đó góp phần tăng doanh thu và thị phần vận tải đường sắt.
Tổng công ty đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt 7.801 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 138 tỷ. Bộ Giao thông giao chỉ tiêu làm căn cứ đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp của công ty mẹ là 2.474 tỷ đồng doanh thu và 84,4 tỷ đồng lợi nhuận. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu là 3%.
Trước đó, trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016, ban lãnh đạo Tổng công ty cho biết, nguồn vốn Nhà nước bố trí cho đầu tư phát triển ngành đường sắt giai đoạn 5 năm tới là 2.350 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nguồn vốn này chỉ đủ bố trí trả nợ xây dựng cơ bản, hoàn vốn ứng kế hoạch các năm trước và hai dự án chuyển tiếp gần 1.000 tỷ đồng nên kết cấu hạ tầng ngành đường sắt chưa thể có bước chuyển biến đột phá.
Một số dự án chiến lược như đầu tư đường sắt tốc độ cao không được đưa vào danh mục bố trí nguồn vốn nên cũng không thể triển khai, làm ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của Tổng công ty.
Sản lượng vận chuyển hành khách năm ngoái đạt 9,8 triệu lượt, giảm 1,4 triệu so với năm trước.
Tổng công ty ghi nhận 6.523 tỷ đồng doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm hơn 11% so với năm trước và kéo dài chuỗi 4 năm liên tiếp thụt lùi của ngành đường sắt.
Ngoài ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Ghềnh (Đồng Nai) khiến thiệt hại ước tính khoảng 535 tỷ đồng, ban lãnh đạo công ty đánh giá lượng khách đi tàu đường dài giảm rõ rệt do sự cạnh tranh của hàng không giá rẻ, ôtô chất lượng cao và đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng là nguyên nhân chính đẩy ngành đường sắt vào tình cảnh khó khăn.