Các đoàn tàu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại ga Hà Nội.
Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa ký Quyết định số 782/QĐ – UBQLV phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Bên cạnh việc cải thiện, nâng cao hiệu quả kinh doanh vận tải để từng bước thoát khỏi tình trạng thua lỗ và bù đắp dần khoản lỗ lũy kế của các năm trước, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được giao thực hiện xong phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị, đảm bảo các doanh nghiệp và đơn vị được cơ cấu lại đi vào hoạt động ổn định, phát triển có hiệu quả.
Đại diện chủ sở hữu giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt tổng doanh thu 39.544 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế -866,6 tỷ đồng trong đó giai đoạn 2021-2022 là -1.193,7 tỷ đồng, giai đoạn 2023-2025 là 322,8 tỷ đồng.
Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt tổng doanh thu 26.190 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế -1.237 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 2021-2022 là -1.250 tỷ đồng, giai đoạn 2023-2025 là 13 tỷ đồng.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 cho dự án nhóm A, B toàn Tổng công ty là 2.590,6 tỷ đồng. Dự án nhóm C của Công ty mẹ là bình quân 70 tỷ đồng/năm từ năm 2024-2025.
Trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hướng đến mục tiêu phục vụ theo nhu cầu hành khách, tập quán tiêu dùng, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện ích, thuận lợi và đa dạng hóa dịch vụ vận tải trong vận chuyển hành khách; triển khai phương thức bán vé linh hoạt.
Tổng công ty cũng cần theo dõi luồng khách để điều chỉnh thành phần đoàn tàu phù hợp đảm bảo nhu cầu đa dạng của hành khách và hiệu quả kinh doanh. Bám sát nhu cầu thị trường vận tải mở thêm tuyến mới để mở rộng thị trường; phát triển hệ thống bán hàng rộng khắp, chú trọng vào vùng thị xã, thị trấn và các hình thức hợp tác để thu hút luồng khách người nước ngoài. Tiếp tục duy trì và nghiên cứu chính sách giá cước linh hoạt để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng kể cả thời gian cao hay thấp điểm vận tải.
Trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng hóa, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải tạo thuận lợi cho chủ hàng, chỉ một đầu mối tiếp nhận, niêm yết công khai giá, trách nhiệm người vận chuyển, chất lượng dịch vụ, bổ sung các dịch vụ như đóng gói, kiểm đếm, bảo quản, giao nhận hàng, vận tải đa phương thức, thuê toa, chuyến, tuyến... Khai thác tối đa khối lượng vận tải hàng hóa tại các khu công nghiệp, nhà máy, cảng biển có kết nối với đường sắt quốc gia, tăng cường vận tải container, vận tải liên vận quốc tế và tích cực tham gia vào chuỗi logistics.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được yêu cầu tiếp tục chủ động triển khai phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đến năm 2030 đã báo cáo Chính phủ để tăng sản lượng hàng hoá liên vận quốc tế đường sắt đến các địa phương của Trung Quốc và đi các nước thứ 3; duy trì và thúc đẩy lượng hàng xuất khẩu sang Nga, Châu Âu...; thúc đẩy các hoạt động logistics, đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống quản trị qua ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước dần chuyển hướng tổ chức phân phối các nguồn hàng từ kho, ga đến các đại lý, siêu thị, cửa hàng tiện ích... nâng cao giá trị và hiệu quả trong chuỗi logistics.
Là một trong số các doanh nghiệp vận tải chịu tác động nặng nề nhất của dịch Covid -19, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam liên tục phải ghi nhận những khoản lỗ lớn trong suốt giai đoạn 2020 – 2022.
Tuy nhiên, nhờ một loạt các giải pháp phù hợp để khắc phục khó khăn, cải thiện dòng tiền và khôi phục sản xuất kinh doanh như: đẩy mạnh khai thác các đoàn tàu hàng chuyên tuyến, tàu hàng nhanh, container và chạy thêm đoàn tàu liên vận quốc tế; tổ chức các đoàn tàu vận tải hành khách chất lượng cao, kết thúc năm tài chính 2023, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chính thức bước ra khỏi “vòng xoáy” thua lỗ.
Cụ thể, trong năm 2023, doanh thu toàn Tổng công ty đạt 8.503,8 tỷ đồng, đạt 101,8% kế hoạch năm 2023 và bằng 106,3% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó Công ty Mẹ đạt 6.247 tỷ đồng doanh thu, bằng 113,2% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 4,5 tỷ đồng, bằng 150% kế hoạch năm 2023 (năm 2022 lỗ 173 tỷ đồng).
Cần phải nói thêm rằng, tại Quyết định số 310/QĐ – UBQLV của Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về việc giao chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại doanh nghiệp năm 2023, Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải đạt tổng doanh thu 6.505 tỷ đồng, trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư năm 2023 là 3.850 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 3 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) >0,0% (lớn hơn 0,0%); không có nợ phải trả quá hạn; hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn> 1.
Trên thực tế, kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có thể còn ghi nhận kết quả tốt hơn nếu hoạt động vận tải hàng hoá bằng đường sắt về đích đúng kế hoạch đề ra.
Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhu cầu vận tải hàng hoá năm 2023 giảm nên doanh thu vận tải hàng hoá bằng đường sắt đã không đạt kế hoạch và sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022 (doanh thu đạt 95,1% kế hoạch, 82,5% so với cùng kỳ năm 2022).
“Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang phấn đấu để đường sắt không chỉ là loại hình vận tải thuần tuý, đưa hành khách từ điểm A đến điểm B mà nó còn là phương tiện để du khách trải nghiệm, tìm hiểu nhiều giá trị di sản lịch sử, văn hoá của các vùng, miền khác nhau của đất nước, tận hưởng những phút giây thư giãn”, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết.