Tổng công ty Bưu điện Việt Nam kiện đòi đất bị lấn chiếm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mới đây, TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp đòi lại tài sản giữa Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và bà Nhữ Thị S. (SN 1962, ở quận Hà Đông, Hà Nội).

Theo hồ sơ vụ kiện, thửa đất 515 m2 đất tại thôn Quang Lãm, xã Phú Lãm, Hà Đông do Bưu cục Phú Lãm trực tiếp quản lý, sử dụng. Nguồn gốc thửa đất trên do UBND xã Phú Lãm - HTX nông nghiệp Phú Lãm cấp cho Bưu điện Thanh Oai để xây dựng bưu cục vào năm 1972. Vào tháng 11/1989, Bưu điện tỉnh đã xây dựng phòng giao dịch và các công trình phụ trợ trên diện tích 515 m2 đất và đưa vào sử dụng.

Vào năm 1993, bà S. được phân công về công tác tại Bưu cục Phú Lãm. Do không có chỗ ở nên bà S. đã làm đơn xin mượn đất của bưu cục để làm nhà ở nhà trên diện tích 117 m2 đất.

Mặc dù không được chấp thuận nhưng bà S. vẫn ở nhờ và xây dựng nhà ở. Năm 1995, Bưu điện Thanh Oai đã họp và lập biên bản xác định bà S. xây dựng nhà ở trái phép trên đất của Bưu cục Phú Lãm và yêu cầu bà S. tự tháo dỡ công trình.

Bà S. không thực hiện mà còn làm thủ tục kê khai nguồn gốc thửa đất đang sử dụng là do ông cha để lại và xin cấp sổ đỏ. Năm 1996, UBND huyện Thanh Oai đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 150 m2 đất cho bà S.

Đến năm 2005, do phát hiện sai sót, UBND tỉnh Hà Tây đã có quyết định hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích đất của bà S. Năm 2006, cơ quan chức năng buộc phải cưỡng chế tháo dỡ nhà cấp 4 của vợ chồng bà S. nhưng trên phần đất 50 m2 vẫn còn căn nhà 3 tầng do vợ chồng bà S. sử dụng.

Do đó, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam khởi kiện, yêu cầu gia đình bà S. tháo dỡ nhà 3 tầng trên đất lấn chiếm.

Bà S. không đồng ý đơn khởi kiện, khẳng định diện tích 50 m2 đất là thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình. Bà S. yêu cầu Bưu điện phải trả lại sổ đỏ cho bà và yêu cầu bồi thường thiệt hại kể từ khi bị cưỡng chế đến nay (10 năm) số tiền 974 triệu đồng.

Năm 2019, cấp sơ thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Bà S. phải trả lại diện tích 52,5 m2 đất, trong đó có ngôi nhà 3 tầng cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam quản lý sử dụng.

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phải thanh toán cho gia đình bà S. số tiền gần 550 triệu đồng là tiền xây dựng căn nhà và công sức san lấp, tôn tạo, trông coi bảo quản đất. Ngoài ra, tòa án còn tuyên gia đình bà S. được quyền lưu cư trong 6 tháng và phải có trách nhiệm di chuyển người và tài sản sau khi hết thời hạn trên.

Sau phiên tòa sơ thẩm, bà S. tiếp tục kháng cáo.

Quá trình giải quyết vụ kiện, TAND TP. Hà Nội có công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường; Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hà Đông yêu cầu cung cấp tài liệu. Theo đó, Bưu điện tỉnh Hà Tây (cũ) đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) xác lập quyền sử dụng đất từ hình thức giao đất sang cho thuê đất trả tiền hàng năm.

Về phía bị đơn, bà S. chỉ xuất trình được 2 đơn xin đất làm nhà ở nhưng là bản photo, không có bản gốc và biên lai thu thuế đất từ năm 1003-2007. Ngoài ra, vợ chồng bà S. không xuất trình được tài liệu, chứng cứ nào khác như biên bản giao đất, biên bản đo đạc diện tích vị trí thửa đất, đăng ký kê khai quyền sử dụng đất, hiện trạng…

Do đó, tòa án nhận định không có căn cứ xác định trên diện tích đất có nhà ở 3 tầng mà vợ chồng bà S. đang ở. Căn nhà 3 tầng nằm trong phạm vi đất được giao cho nguyên đơn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.

Tuy nhiên, nguyên đơn có phần lỗi một phần do sử dụng đất không hiệu quả. Tòa phúc thẩm nhận định bản án sơ thẩm buộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phải thanh toán giá trị nhà và hỗ trợ bồi thường là phù hợp. Tòa phúc thẩm không chấp nhận đơn kháng cáo của gia đình bà S.

Tin bài liên quan