Mảng xây lắp trong vài năm gần đây đối mặt với nhiều khó khăn vì lạm phát, giá nguyên vật liệu tăng cao…

Mảng xây lắp trong vài năm gần đây đối mặt với nhiều khó khăn vì lạm phát, giá nguyên vật liệu tăng cao…

Tổng công ty 36 (G36) xác định đi lùi!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhận định hoạt động kinh doanh vẫn gặp nhiều thách thức, Tổng công ty 36 - CTCP (mã chứng khoán G36) đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2024 thấp hơn 38% so với năm 2023.

Đi chậm cho chắc

Năm 2023, Tổng công ty 36 đạt 1.399 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành 75,4% kế hoạch, nhưng ghi nhận lợi nhuận sau thuế 17,3 tỷ đồng, gấp đôi kế hoạch năm đã đề ra. Mặc dù vậy, con số lợi nhuận này vẫn thấp hơn mức gần 22,2 tỷ đồng của năm 2022.

Tổng công ty 36 nhận định, năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn, nên kế hoạch lợi nhuận sau thuế chỉ đề ra ở mức 10,7 tỷ đồng, giảm 38%, dù mục tiêu doanh thu là 1.836,6 tỷ đồng, tăng 30,4% so với năm 2023.

Ông Nguyễn Đăng Thuận, Phó tổng giám đốc Tổng công ty 36 cho biết, doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng vì mục tiêu an toàn. Trong giai đoạn hiện nay, tiêu chí an toàn là quan trọng nhất, những doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính để phát triển dễ đối mặt với rủi ro lớn, còn Tổng công ty không muốn mạo hiểm.

“Chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá đầu ra không tăng, doanh nghiệp gặp nhiều thách thức”, ông Thuận nói và chia sẻ, mảng xây lắp vài năm gần đây đối mặt với nhiều khó khăn vì lạm phát, giá nguyên vật liệu tăng cao, trong khi mức giá điều chỉnh so với đơn giá trong các gói thầu rất thấp. Đơn cử, mức cao nhất điều chỉnh như giá thép khoảng 20%, trong khi giá thép trên thị trường tăng gần gấp đôi. Thép chiếm tỷ trọng nhiều nhất nên mức chênh lệch giữa đầu vào và đầu ra ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp nhà thầu, chưa kể các nguyên liệu khác như đá, cát… cũng có biến động bất lợi.

“Nhiều người hỏi, doanh nghiệp nhà thầu vì sao đối mặt với nguy cơ thua lỗ vẫn làm? Bởi vì, doanh nghiệp muốn duy trì năng lực làm việc liên tục và ổn định việc làm cho người lao động. Trong khi nhiều nhà thầu đối mặt với thua lỗ, thì Tổng công ty 36 vẫn làm ăn có lãi, đó là một nỗ lực rất lớn”, ông Nguyễn Đăng Thuận nói.

Tổng công ty 36 có vốn điều lệ hơn 1.037 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh chính là thầu xây lắp và đầu tư dự án bất động sản. Doanh nghiệp hiện có 7 dự án bất động sản bao gồm: dự án Nhà ở khu vực trường mầm non thị trấn Bắc Hà (Lào Cai), dự án Khu phức hợp kinh doanh thương mại kết hợp nhà ở thị trấn Quán Hành (Nghệ An), dự án Khu dân cư Đông Triều (Quảng Ninh), dự án Khu nhà ở thương mại tại Sapa (Lào Cai), dự án 6-8 Chùa Bộc (Hà Nội), dự án Khu dân cư Đông Thịnh (Thanh Hóa), dự án Khu dân cư phường Đông Tân (Thanh Hóa).

Bên cạnh đó, Tổng công ty đang vận hành dự án BOT Quốc lộ 19. Dự án này bắt đầu thu phí từ 1/6/2016, nhưng cho đến nay, doanh thu trung bình hàng năm chỉ đạt 55% so với phương án tài chính ban đầu. Tính đến cuối năm 2023, Tổng công ty đã phải trích lập dự phòng tổn thất đầu tư 121 tỷ đồng, cấp 100% chi phí trung tu đợt 1 là 24 tỷ đồng và bù đắp thiếu hụt 230 tỷ đồng do thu không đủ chi trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng, ảnh hưởng lớn đến dòng tiền phục vụ sản xuất - kinh doanh.

Dự kiến, trong thời gian tới (2024 - 2025), Tổng công ty 36 vẫn phải cấp 100% chi phí trung tu đợt 2 (khoảng 40 tỷ đồng) và bù đắp thiếu hụt thu - chi (khoảng 50 tỷ đồng), mặc dù đã được chấp thuận tăng giá vé thu phí từ cuối năm 2024. Kỳ vọng, đến năm 2027, Tổng công ty sẽ trả hết nợ vay ngân hàng và thu hồi phần bù đắp thiếu hụt.

Nguyên nhân doanh thu dự án BOT Quốc lộ 19 thấp chủ yếu do Thông tư 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ Giao thông - Vận tải quy định về mức trần giá vé thu phí, phá vỡ phương án tài chính ban đầu, cùng với chính sách miễn giảm giá sử dụng dịch vụ đường bộ và việc chậm giải quyết tăng giá vé thu phí theo phương án tài chính của hợp đồng BOT (theo phương án tài chính, sau mỗi 3 năm sẽ tăng giá một lần, với mức tăng 6%/lần, nhưng thực tế phải 8 năm sau kể từ khi bắt đầu thu phí, đến ngày 29/12/2023 mới được tăng giá lần đầu).

Về việc thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2024, ông Nguyễn Đăng Thuận kỳ vọng: “Khả năng Công ty có thể vượt kế hoạch đề ra, nhờ hai yếu tố. Thứ nhất, mảng đầu tư bất động sản năm nay có thể ghi nhận thêm doanh thu từ một số dự án. Thứ hai, doanh thu mảng xây lắp có tín hiệu tích cực, Công ty trúng thêm một số gói thầu mới”.

Cụ thể, với mảng đầu tư bất động sản, Tổng công ty 36 dự kiến sẽ ghi nhận doanh thu tại dự án Bắc Hà và dự án Đông Triều. Dự án Bắc Hà có kế hoạch hoàn thành công tác bán hàng trong năm 2024, cấp sổ đỏ cho người mua. Dự án Đông Triều đã đủ điều kiện chuyển nhượng, hiện có 48 khách hàng đặt mua sản phẩm tại dự án và doanh nghiệp đang đẩy nhanh công tác ký hợp đồng chuyển nhượng, bàn giao trong quý II/2024. Còn dự án Sapa đã đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, với 83 khách hàng đặt mua sản phẩm tại dự án.

Đối với lĩnh vực xây lắp, từ đầu năm 2024 đến nay, Tổng công ty 36 đã trúng thầu một số gói thầu mới như gói thiết bị đài kiểm soát không lưu Sân bay Long Thành (Đồng Nai) trị giá gần 200 tỷ đồng, gói kè khẩn cấp lở sông Ô Môn (Cần Thơ) trị giá khoảng 100 tỷ đồng.

Hướng đến lĩnh vực bất động sản công nghiệp

Từ năm 2025, Tổng công ty 36 dự kiến sẽ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp, vì khả năng sinh lời cao hơn và dòng tiền tốt hơn.

Ông Nguyễn Đăng Thuận cho biết: “Chúng tôi sẽ chuyển dịch đầu tư theo xu hướng bền vững, mở rộng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Hiện Tổng công ty đang nghiên cứu tại các thị trường Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên là những địa phương có vị trí thuận lợi về hạ tầng giao thông, kết nối sân bay quốc tế, cảng biển...”.

“Khả năng sinh lời của bất động sản khu công nghiệp cao hơn và dòng tiền tốt hơn”, ông Nguyễn Đăng Thuận nói.

Về thời điểm bước chân vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp, lãnh đạo Tổng công ty 36 cho hay, có thể là năm 2025. Trong thời gian qua, dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam là động lực tăng trưởng bền vững cho mảng bất động sản công nghiệp. Tổng công ty đã có những động thái cụ thể trong nghiên cứu thị trường, phát triển dự án trong phân khúc này.

Ngoài ra, một số dự án của Tổng công ty có triển vọng trong dài hạn như dự án 6-8 Chùa Bộc (Hà Nội), dự án Đông Tân (Thanh Hóa).

Dự án 6-8 Chùa Bộc là khu nhà ở cao tầng, kết hợp dịch vụ thương mại, khách sạn Hanoi Orchard Park. Dự án đã được được Sở Quy hoạch - Kiến trúc cấp Giấy phép quy hoạch số 7946/GPQH ngày 16/11/2017 và có các Văn bản số 6477/QHKT-TMB (KHTH) ngày 8/11/2019, Văn bản số 631/QHKT-KHTH ngày 18/2/2021 chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc các hạng mục công trình, với chức năng hỗn hợp (văn phòng, khách sạn, thương mại, dịch vụ, nhà trẻ, sinh hoạt cộng đồng và nhà ở), quy mô dân số 1.000 người. Dự án đến nay chưa được triển khai do vướng mắc tại Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ, nhưng kỳ vọng sẽ sớm được tháo gỡ, bởi Chính phủ đang báo cáo Quốc hội giải pháp tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các dự án nhà ở thương mại.

Triển vọng tích cực còn đến từ dự án đầu tư công khi Tổng công ty 36 đang triển khai một số gói thầu tại dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 như Bùng - Vạn Ninh, Cần Thơ - Hậu Giang.

Tin bài liên quan