Tổng công ty 36 (G36) lên kế hoạch… đi lùi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tổng công ty 36 (mã G36) vừa bất ngờ công bố kế hoạch lỗ lớn sau một năm báo lãi khá ấn tượng.

Đặt mục tiêu lỗ 66,3 tỷ đồng

Năm 2020, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng Tổng công ty 36 vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khá ấn tượng, với doanh thu đạt 2.308,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 57,8 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 28,7% và 83,4% so với năm 2019.

Như vậy, kể từ khi đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM (tháng 12/2016 tới nay), Tổng công ty liên tục kinh doanh có lãi.

Tuy nhiên, trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông năm 2021 (dự kiến tổ chức ngày 8/4 tới), Tổng công ty 36 lại gây bất ngờ cho cổ đông và giới đầu tư với kế hoạch doanh thu 1.936,96 tỷ đồng, giảm 17,03% so với năm 2020 và lỗ tới 66,3 tỷ đồng.

Đặt kế hoạch kinh doanh thua lỗ, Ban lãnh đạo doanh nghiệp lý giải, là do “một số đơn vị đang thiếu việc làm”, “Chính phủ tiếp tục thực hiện cắt giảm đầu tư công, dùng các biện pháp thắt chặt tài khoá tiền tệ để kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô” và “dịch bệnh Covid-19 những tháng đầu năm diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng rất lớn đến công tác tiếp thị đấu thầu, việc mở mới các dự án là hết sức khó khăn”.

Việc đặt kế hoạch kinh doanh “dè dặt” có thể xem là động thái khá lạ của Tổng công ty 36.

Thực tế, trong 4 năm kể từ thời điểm lên sàn tới nay, chỉ duy nhất năm 2018, Tổng công ty hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận 8%.

Năm 2017, doanh nghiệp hoàn thành 61,9% kế hoạch lợi nhuận, năm 2019 chỉ hoàn thành 37,7% kế hoạch và năm 2020 hoàn thành 83,4% kế hoạch. Như vậy, có thể thấy, doanh nghiệp thường đặt mục tiêu khá tham vọng so với thực lực.

Những căn cứ xây dựng kế hoạch kinh doanh của Tổng công ty 36 cũng có phần thận trọng. Trong hai tháng đầu năm, dịch bệnh diễn biến phức tạp ở trong nước, nhưng đến nay đã được kiểm soát tốt, các hoạt động sản xuất – kinh doanh đang được phục hồi tích cực.

Đáng nói là, trong năm nay, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư công, xem đây là một trong những biện pháp giúp hồi phục tăng trưởng kinh tế.

Chưa nhiều doanh nghiệp cùng ngành với Tổng công ty 36 lên kế hoạch kinh doanh, nhưng ghi nhận ở Tổng công ty Xây lắp điện 1 (PCC1) dự kiến doanh thu từ mảng xây lắp điện đạt trên 4.500 tỷ đồng, tăng tới 48% so với năm 2020.

Diễn biến đáng chú ý tại Tổng công ty 36, kể từ tháng 11/2020 tới nay, lãnh đạo doanh nghiệp liên tục có động thái bán ra cổ phiếu.

Diễn biến đáng chú ý tại Tổng công ty 36, kể từ tháng 11/2020 tới nay, lãnh đạo doanh nghiệp liên tục có động thái bán ra cổ phiếu.

Cụ thể, từ ngày 29/9/2020 đến 18/1/2021, cổ phiếu G36 tăng 242% lên 17.800 đồng/cổ phiếu và hiện tại giao dịch vùng 13.000 đồng/cổ phiếu.

Trong giai đoạn này, ông Đặng Thanh Thế, người được uỷ quyền công bố thông tin bán ra 45.100 cổ phiếu (12/11/2020), ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị bán ra 3,6 triệu cổ phiếu (25/12/2020).

Mới đây, ông Nguyên Đăng Giáp, Tổng giám đốc đăng ký bán ra 1 triệu cổ phiếu trong thời gian từ ngày 24/3 - 22/4.

Có thể thấy, trước khi đưa ra kế hoạch kinh doanh lỗ và tận dụng sóng tăng của cổ phiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc đều muốn bán ra giảm sở hữu tại G36.

Tài sản lớn nhưng khai thác chưa hiệu quả

Mặc dù sở hữu quy mô tài sản lên tới 4.938,3 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.057,9 tỷ đồng nhưng hiệu quả kinh doanh và sử dụng tài sản của G36 không được đánh giá cao.

Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2020, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của Tổng công ty lần lượt đạt 0,95%, 1,45%, 0,56% và 1,07%; tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) lần lượt là 8,31%, 8,31%, 3,2% và 5,6%. Tính trung bình 4 năm qua, ROA và ROE của doanh nghiệp là 1% và 6,4%.

Bản cáo bạch đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM công bố năm 2017 cho biết, Tổng công ty đang quản lý tới 32.292,7 m2 đất tại Hà Nội và Nghệ An.

Trong đó, đáng chú ý là khu đất có diện tích 1.399,3 m2 tại số 141, Hồ Đắc Di, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội; 4.588 m2 tại xã Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội; 11.199 m2 tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội; 410 m2 tại tổ 48, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội; 10.122 m2 tại tổ 6, khu Chiến Thắng, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội…

Tài sản của doanh nghiệp có dấu hiệu bị chiếm dụng khi khoản phải thu ngắn hạn lên tới 1.219,1 tỷ đồng, chiếm 24,7% tổng tài sản của doanh nghiêp, đây chủ yếu là các khoản phải thu liên quan tới các công trình xây dựng mà doanh nghiệp thực hiện nhưng các chủ đầu tư chưa trả.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất - kinh doanh công trình xây dựng ghi nhận 390 tỷ đồng, chiếm 7,9% tổng tài sản, đây là chi phí các công trình doanh nghiệp đang thực hiện. Điều này đặt ra bài toán quản trị dòng tiền, cũng như khoản phải thu của doanh nghiệp trong tương lai.

Việc Công ty lên kế hoạch lỗ trong năm nay có thể ảnh hưởng đáng kể đến thị giá cổ phiếu sắp tới cũng như định giá lại doanh nghiệp khi Nhà nước thoái vốn.

Tin bài liên quan