Tổng công ty 36: Cổ đông băn khoăn phương án kinh doanh 2020

Tổng công ty 36: Cổ đông băn khoăn phương án kinh doanh 2020

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2019 là một năm kinh doanh ảm đạm của Tổng công ty 36 (G36) khi không hoàn thành kế hoạch đề ra. 

Với kết quả này, G36 chỉ hoàn thành 52% mục tiêu doanh thu và 37,7% mục tiêu lợi nhuận 2019. Lý do, theo Ban lãnh đạo G36, là do giá trị sản lượng các công trình chuyển tiếp sang năm 2019 thấp, một số công trình lớn đang trong giai đoạn quyết toán với chủ đầu tư, các hợp đồng ký mới ở giai đoạn thi công ban đầu nên doanh thu bán hàng giảm.

Đồng thời, Công ty phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào Công ty TNHH BOT 36.71 (lỗ kế hoạch).

Đây không phải lần đầu G36 lỡ hẹn về đích. Trước đó, liên tiếp trong năm 2017 và 2018, công ty này đều không đạt được kế hoạch kinh doanh. Năm 2017, G36 đạt 3.575 tỷ đồng doanh thu (kế hoạch là 4.772,7 tỷ đồng), gần 61,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (kế hoạch là 99,5 tỷ đồng).

Sang năm 2018, doanh nghiệp chỉ đạt 3.149 tỷ đồng doanh thu (kế hoạch là 3.500 tỷ đồng) và 86 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (kế hoạch là 82,3 tỷ đồng).

Mặc dù hiệu quả kinh doanh liên tục đi xuống 3 năm qua, song HĐQT G36 vẫn đề ra kế hoạch đầy tự tin cho năm 2020. Cụ thể, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 69,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 64,8% và 110,5% so với thực hiện năm 2019.

Trong khi đó, Ban lãnh đạo Công ty cũng tự đánh giá, năm 2020 sẽ là một năm gặp rất nhiều khó khăn đối với ngành xây dựng. Do đó, kế hoạch trên khiến các cổ đông của G36 nghi ngờ, liệu doanh nghiệp có thể hoàn thành hay tiếp tục thất hứa?

Tại ĐHCĐ thường niên 2020 của G36, đánh giá về khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay, Tổng giám đốc Nguyễn Đăng Giáp nói, hiện tại chưa thể nói trước được điều gì, song Công ty khẳng định sẽ đi đến thành công vì doanh nghiệp có những kế hoạch, phương án “đi trước một bước”. Về kết quả kinh doanh đến hết quý II năm nay, ông Giáp cũng cho biết, sẽ công bố thông tin theo quy định trên sàn giao dịch UPCoM.

Vướng mắc tại hai dự án BOT

Hiện tại, G36 đang tham gia 2 dự án BOT kém hiệu quả, gây thất thoát cho Công ty và ảnh hưởng đến quyền lợi của của đông.

Cụ thể, tại dự án BOT Quốc lộ 19, qua 3 năm tổ chức thu phí (bắt đầu từ ngày 1/6/2016) cho thấy kết quả không đảm bảo so với phương án tài chính, hàng năm G36 phải trích một khoản bù lỗ cho dự án. Đối với dự án này, theo lãnh đạo G36, đây là một “tai nạn chính sách”.

Theo đó, nguyên nhân gây thua lỗ chủ yếu do cơ chế chính sách thay đổi và theo quy định của hợp đồng, đến năm 2019 được tăng giá vé nhưng đến nay Bộ Giao thông Vận tải vẫn chưa đồng ý, mặc dù đã có rất nhiều văn bản đề nghị.

“Hiệu quả sản xuất - kinh doanh không bù được khoản lỗ từ dự án này. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua, doanh thu thu về không đủ để trả lãi nợ vay”, ông Giáp cho biết.

Năm 2020, G36 sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để tháo gỡ cơ chế chính sách, hoàn thiện các thủ tục thu phí tự động không dừng và tìm hướng tháo gỡ, giải quyết các tồn tại do việc dừng đầu tư giai đoạn 2 của dự án. Ngoài ra, lãnh đạo G36 tiết lộ đang tìm các đối tác nước ngoài để chuyển nhượng dự án.

Trong khi đó, tại dự án BOT Quốc lộ 6 HLHB, Trạm thu phí đường Hoà Lạc - Hòa Bình bắt đầu thu phí chính thức từ ngày 3/5/2019. Thời gian đầu, tình hình thu phí diễn biến phức tạp, bị gián đoạn một thời gian do người dân xung quanh trạm thu phí phản đối mức giảm giá vé. 

“G36 đang nắm giữ 49,5% vốn điều lệ thông qua Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình. Hiện nay, ông Hiển bên SHB đang muốn mua lại. Chúng tôi quyết định sẽ bán. Lỗ cũng bán, để cắt lỗ tại dự án này”, ông Giáp cho biết.

Theo Đề án 80 của Chính phủ, đến hết năm 2020, Bộ Quốc phòng sẽ thoái hết vốn tại G36. Tuy nhiên, theo lãnh đạo G36, thực tế rất khó thực hiện. Lộ trình thoái vốn của Bộ Quốc phòng tại G36 phụ thuộc vào 2 vấn đề là con người và đất đai.

“Về vấn đề còn người, hiện G36 chủ động. Còn về đất đai, hiện Công ty đang sở hữu 9 lô đất quốc phòng. Nếu thực hiện chuyển đổi được, đây sẽ là tiềm năng để cổ phiếu G36 tăng trưởng mạnh bởi đây là những mảnh đất vàng”, lãnh đạo G36 cho biết. Hiện Bộ Quốc phòng đang nắm giữ 18,36% cổ phần tại G36.

Tin bài liên quan