Thấy cơ hội trong hạn chế
Năm 2018 khép lại với niềm vui bất ngờ là GDP tăng tới 7,08%, cao nhất trong 10 năm gần đây. Ðáng chú ý là trong năm qua, Chính phủ đã hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 9 chỉ tiêu vượt.
Kết quả này là đáng khích lệ trong bối cảnh như Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận là đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại và nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế còn chậm; kinh tế tư nhân tuy có bước phát triển đáng mừng khi xuất hiện một số doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh song chưa liên kết, tham gia sâu vào mạng lưới, chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn, nên chưa thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng điều đáng mừng là không còn dựa nhiều vào các yếu tố “thô” như khai thác tài nguyên, thâm dụng vốn… Tại phiên họp thường kỳ tháng 12/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, tăng trưởng kinh tế đạt được ở mức cao khi mà tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, sản lượng dầu thô khai thác giảm...
Ðiều đó cho thấy, Việt Nam bắt đầu tích lũy được vốn liếng ban đầu về thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào các yếu tố “tinh”, đặc biệt là cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh để giải phóng sức sản xuất trong dân còn lớn.
Câu hỏi đặt ra là liệu có còn nhiều dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế từ tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh?
Câu trả lời là còn lớn, bởi theo Phó thủ tướng Vũ Ðức Ðam, năm 2018, các bộ, ngành đã cắt giảm được 50% điều kiện kinh doanh, nhưng thực tế các doanh nghiệp phản ánh và khảo sát của các chuyên gia độc lập thì thực chất mới cắt giảm được 30%, còn 20% vẫn trên lý thuyết. Hiện có 78.000 nhóm hàng/mặt hàng thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành, trong đó thời gian ở khâu hải quan chỉ chiếm 28%, còn 72% liên quan đến việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành do 12 bộ, ngành phụ trách.
Ðề ra mục tiêu giảm tỷ lệ nhóm hàng/mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan xuống 10%, nhưng đến nay mới được 19%. 57% doanh nghiệp đánh giá, thủ tục xuất nhập khẩu chưa có sự cải thiện rõ nét. Thời gian thông quan của Việt Nam gấp 2 lần so với Thái Lan và Malaysia, gấp 5 lần Singapore; chi phí cao gấp 2 lần các nước này…
Những hạn chế mà Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ như vậy đã lộ diện thêm dư địa mới cho tăng trưởng nền kinh tế. Nếu các nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh đạt được những bước tiến dài thì nền kinh tế sẽ tiếp tục sáng hơn.
Trông đợi nhân tố bứt phá
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc của Chính phủ với các địa phương để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “ra đề” cho Chính phủ, cũng như các bộ, ngành, địa phương làm sao đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2019 phải cao hơn năm 2018…
Không chỉ yêu cầu tăng trưởng kinh tế ở mức cao, Tổng Bí thư còn yêu cầu công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành cần hướng đến nâng cao chất lượng tăng trưởng với chỉ đạo: Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, phấn đấu tạo ra những chuyển biến về chất, tạo đột phá để nền kinh tế Việt Nam thực sự vận hành theo cơ chế thị trường phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa…
Nhìn nhận mục tiêu trên là khó, nhưng lãnh đạo Chính phủ cam kết sẽ tập trung bám vào phương châm điều hành năm 2019, với yếu tố mới so với năm 2018 là bứt phá để giải được “đề bài” mà Tổng Bí thư nêu ra, đó là làm sao tăng trưởng kinh tế có sự cải thiện cả về lượng và chất.
Hệ thống giải pháp đồng bộ, với nhiều điểm mới đã định hình tại hai văn bản quan trọng là Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ, sẽ được thúc đẩy triển khai rốt ráo ngay từ những ngày đầu, tuần đầu của năm 2019.
Trong đó, trọng tâm là nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế; củng cố nền tảng vĩ mô, duy trì và khơi thông các động lực tăng trưởng; quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; đảm bảo cắt giảm thực chất 50% điều kiện kinh doanh; kiên quyết một mặt hàng chỉ một cơ quan làm đầu mối kiểm tra chuyên ngành.
Cùng với đó, đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; phát triển hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ niềm tin rằng, động lực tăng trưởng chính là nằm trong nỗ lực đổi mới, sáng tạo của toàn xã hội và phát huy tinh thần tự hào dân tộc để vươn lên.