Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng và giai cấp, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội Công đoàn Việt Nam. (Ảnh: Đức Vũ)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội Công đoàn Việt Nam. (Ảnh: Đức Vũ)

Sáng 2/12, Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).

Tới dự đại hội có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phát biểu tại đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đại hội là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi tới toàn thể cán bộ đảng viên, công nhân viên chức, người lao động cả nước lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc đại hội thành công tốt đẹp.

Tổng Bí thư cho biết, Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Trải qua hơn 94 năm xây dựng, hoạt động, trưởng thành và phát triển, chúng ta có quyền tự hào và khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng và giai cấp, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh.

Trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Nhiệm kỳ 2018-2023 vừa qua, hoạt động của tổ chức Công đoàn và đoàn viên, người lao động diễn ra trong bối cảnh có nhiều đặc biệt. Những năm đầu của nhiệm kỳ, các cấp Công đoàn đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 của Công đoàn có nhiều thuận lợi. Trong đó kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng khá.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát cùng tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột vũ trang xảy ra ở nhiều nơi, sự suy giảm kinh tế thương mại và lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động và hoạt động của Công đoàn.

Vào cuối nhiệm kỳ, tình trạng thiếu việc làm của người lao động diễn ra trên diện rộng, số người lao động phải rời các doanh nghiệp về quê hoặc chuyển sang khu vực phi chính thức tăng nhanh.

Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn, quyết liệt, duy trì việc làm, bảo đảm thu nhập, giảm thiểu khó khăn cho người lao động.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, quán triệt các Nghị quyết Đại hội của Đảng, thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 Công đoàn Việt Nam, các cấp Công đoàn cả nước đã vượt qua mọi khó khăn, đổi mới sáng tạo, triển khai toàn diện có trọng tâm, trọng điểm các lĩnh vực công tác, cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu chủ yếu đề ra.

Ngay sau Đại hội 12 Công đoàn Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động đã tổ chức tuyên truyền học tập, quán triệt, xây dựng các chương trình thực hiện Nghị quyết, tập trung thực hiện 3 khâu đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm, tạo chuyển biến mới trong hoạt động công đoàn.

Các hoạt động công đoàn đã hướng mạnh về cơ sở, mở rộng và đầu tư nhiều hơn cho khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, tập trung hoạt động chăm lo, đại diện bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động.

Với việc không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các cấp, Công đoàn tiếp tục khẳng định được vị thế, vai trò vững chắc trong lòng đoàn viên, người lao động, nhất là trong giai đoạn chống chọi với đại dịch Covid-19.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Đại hội Công đoàn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Đại hội Công đoàn.

Mô hình tổ chức bộ máy của Công đoàn ngày càng được hoàn thiện, chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn từng bước được nâng cao, trên khắp các lĩnh vực đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, công nhân viên chức lao động đi đầu và thành công trong lao động, sản xuất, kinh doanh, khẳng định vai trò của Công đoàn trong hệ thống chính trị, tô thắm thêm cho truyền thống vẻ vang của Công đoàn.

Những thành tựu đó không chỉ là kết quả của nỗ lực phấn đấu của một số người mà là của toàn bộ cán bộ, công nhân lao động, của tổ chức Công đoàn, là minh chứng khẳng định vai trò vị trí to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, thành tích, tiến bộ của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn cả nước trong nhiệm kỳ vừa qua.

Công đoàn Việt Nam xác định 3 khâu đột phá

Tại đại hội, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 của Công đoàn.

Ông Khang cho biết, nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh có nhiều yếu tố tác động không thuận lợi, các cấp Công đoàn, nhất là Tổng Liên đoàn đã chủ động đề xuất nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng pháp luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, có kiến nghị góp phần tăng lương tối thiểu vùng 25,34% so với đầu nhiệm kỳ.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang (Ảnh: Nguyễn Hải)

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang (Ảnh: Nguyễn Hải)

Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của Công đoàn được mở rộng, linh hoạt, thích ứng theo đúng chủ trương, đường lối đối ngoại, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đã chủ động tham gia, đóng góp tích cực trong các diễn đàn quốc tế, các hoạt động công đoàn quốc tế theo cơ chế đa phương, song phương, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với các đối tác.

Về mục tiêu cho 5 năm tới, ông Khang cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động đã xác định 3 khâu đột phá: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam có 1.100 đại biểu tham dự.

Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam có 1.100 đại biểu tham dự.

Công đoàn sẽ đẩy nhanh đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; tham gia giám sát việc thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030".

Đồng thời, kiến nghị giảm giờ làm chính thức theo tuần cho người lao động; giải quyết căn bản vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài của hàng trăm nghìn người lao động.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô, giúp đoàn viên, người lao động có cơ hội tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần hạn chế, phòng ngừa “tín dụng đen” trong công nhân, lao động.

Tin bài liên quan