Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội.
Chuẩn bị kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XV, sáng 15/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình.
Tại cuộc tiếp xúc, bên cạnh vấn đề tiền lương của cán bộ, công chức, cử tri cũng bày tỏ quan tâm về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng.
Cử tri Vũ Thị Thanh (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) nêu thực tế vừa qua những cán bộ cấp Trung ương và nhiều cán bộ công chức đã bị bắt để điều tra những vi phạm pháp luật ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề.
Đặc biệt, vụ đại án Việt Á, có đến hàng chục người đã bị bắt giam, đây là con số rất đau xót.
"Các vụ án đã, đang và sẽ đưa ra xét xử cho thấy người vi phạm pháp luật là những người có trình độ, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo. Thực sự là đau lòng và tiếc cho những cán bộ này, bởi lòng tham và sự suy thoái của đạo đức, lối sống, duy thoái của tư tưởng chính trị", bà Thanh nói.
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết tổ đại biểu sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của cử tri và tổng hợp, báo cáo Quốc hội.
Hồi âm quan tâm của cử tri về kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, Tổng Bí thư cho rằng, phải quan tâm nhiều hơn, bởi có quyền trong tay nhưng thiếu sự giám sát dẫn đến tự tung, tự tác, muốn làm gì thì làm. Thậm chí bè cánh với nhau, móc ngoặc với nhau trở thành lợi ích nhóm là vô cùng nguy hiểm.
Dẫn ví dụ xử lý vụ việc ở Hải Dương vừa qua, Tổng Bí thư nói đây không phải một người mà móc ngoặc với nhau từ Bí thư Tỉnh ủy cho đến cán bộ các cấp và còn cả với cán bộ trên Trung ương.
Tổng Bí thư cũng thông tin thêm với cử tri là, lúc đầu cán bộ vi phạm không nhận nhưng đưa ra tất cả bằng chứng, xuống gặp gỡ tổ chức đảng ở đó nên cuối cùng phải nhận.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 vừa qua, đã kỷ luật Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương ở mức cao nhất là khai trừ Đảng, Tổng Bí thư nhắc lại.
Vị lãnh đạo cao nhất của Đảng cũng trao đổi với cử tri rằng, Hội nghị Trung ương vừa qua đã có quyết định rất mới. Đó là không chỉ kỷ luật mà nếu cán bộ thấy có khuyết điểm, tự nhận và xin thôi, tự từ chức thì trung ương hoặc các cơ quan có thẩm quyền đồng ý quyết định cho thôi.
"Việc đó nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn mất hết các chức. Còn ai có điều kiện, sức khỏe, có khả năng có thể tham gia vào công việc khác phù hợp hơn chứ không phải cốt xử thật nặng, không còn tình nghĩa gì mới là nghiêm", Tổng Bí thư trao đổi với cử tri.
Về công tác phòng chống tham nhũng nói chung, theo Tổng Bí thư "cuộc chiến đấu" vẫn đang còn tiếp tục, chưa phải hết và một số vụ trọng tâm, trọng điểm đang làm và sẽ làm.
Trong đó có những vụ cách đây nhiều năm rồi, ghê gớm, nổi tiếng, thậm chí chạy trốn đi rồi, nhưng "trốn cũng không thể trốn được và ai bao che cũng không được, ai bao che xử lý người bao che".
Tổng Bí thư nhấn mạnh, tinh thần giáo dục cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe là chính chứ không thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình.
Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để giáo dục người khác đừng đi vào vết xe đổ ấy nên Trung ương buộc phải làm và yêu cầu các cấp cũng phải làm như Trung ương.
"Việc xử lý vừa qua làm rất công tâm, khách quan, bài bản, đúng kỷ luật của Đảng, pháp luật của nhà nước, nghiêm minh nhưng nhân đạo, nhân ái, nhân tình, mở đường cho người ta tiến. Quan trọng nữa là răn đe để anh khác đừng đi vào con đường ấy", Tổng Bí thư khẳng định.
Về giải pháp, bên cạnh việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, Tổng Bí thư cũng lưu ý phải có chế độ lương bổng, phụ cấp đảm bảo để cán bộ, công chức không cần tham nhũng.