Tôn trọng sự thật là “cây cầu” vững chắc nhất

“Báo chí và đại biểu Quốc hội chỉ tôn trọng lẫn nhau thì chưa đủ, mà cả hai đều phải cùng tôn trọng sự thật, thì “cây cầu” đến cử tri mới chắc, mới bền”.
Tôn trọng sự thật là “cây cầu” vững chắc nhất

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học (Phú Yên) trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Thưa ông, lâu nay, báo chí vẫn được coi là cầu nối Quốc hội với cử tri. Với cảm nhận qua 2 khoá làm đại biểu, ông thấy “cây cầu” này đẹp lên, chắc hơn hay ngược lại?

Điểm tích cực không thể phủ nhận là báo chí phản ánh hoạt động nghị trường ngày càng đi vào chiều sâu, khai thác nhiều khía cạnh trước đây không có điều kiện tiếp cận. Bây giờ, hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới, báo chí cũng được khơi thông nhiều, nên nhà báo có điều kiện để tác nghiệp. Phóng viên được theo dõi gần như tất cả hoạt động của Quốc hội, có những nội dung trước đây có thể xem là  “nhạy cảm”, nội bộ, Quốc hội họp riêng, thì bây giờ họp công khai, báo chí được mời tham dự và đưa tin tuyên truyền.

Xin lỗi được “phản biện” ông một chút, tại kỳ họp này, khi trình Quốc hội miễn nhiệm Phó thủ tướng và một Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Quốc hội họp kín, mà nội dung này không có gì là “nhạy cảm”. Phải chăng, quy định cứ nhân sự là họp “kín” ít nhiều đang làm khó báo chí?

Nhiều phóng viên có phản ánh điều này, các đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến như vậy. Tôi cho rằng, cơ quan chức năng của Quốc hội cần rà soát lại để quy định phù hợp, tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp. Ngay cả việc phát hành tài liệu cũng vậy. Có những tài liệu không cần đóng dấu mật mà vẫn đóng dấu mật. Tài liệu có dấu mật, đại biểu sử dụng còn hạn chế, thì làm sao báo chí khai thác được. Đã có Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, tài liệu nào trong danh mục mật thì đóng mật, còn không thì thôi, như thế mới tạo điều kiện để đại biểu và báo chí sử dụng tốt hơn.

Bên cạnh tài liệu, hiệu quả tác nghiệp của phóng viên nghị trường còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ sẵn sàng trao đổi thông tin từ các đại biểu Quốc hội. Nhưng thực tế, chỉ có một số ít đại biểu xuất hiện với tần suất khá dày trên báo chí. Phải chăng, đại biểu còn “ngại” báo chí?

Mối quan hệ đại biểu - báo chí, theo tôi, phải được tạo dựng từ hai phía. Đại biểu Quốc hội gồm nhiều thành phần, đại diện cho nhiều tầng lớp, nhiều ngành, lĩnh vực…, nên để phản ánh được nhiều chiều, báo chí cần chủ động khai thác ý kiến của nhiều đại biểu. Thời gian qua, có một số vấn đề nổi cộm, phức tạp, báo chí chỉ tập trung nêu ý kiến của một vài đại biểu, như vậy cũng không toàn diện.

Nhưng về phần mình, các đại biểu cũng phải sẵn lòng cung cấp thông tin cho báo chí và nêu chính kiến của mình. Vì nếu phóng viên báo chí đề nghị được phỏng vấn mà bị từ chối, nhiều lần như vậy, sẽ không muốn hỏi nữa và khi đó, khoảng cách giữa nhà báo và đại biểu ngày một dần xa…

Quan sát, đánh giá những vấn đề nổi cộm của đời sống mà cử tri quan tâm, báo chí quan tâm và chủ động trả lời, cung cấp thông tin cho báo chí để góp phần định hướng dư luận, theo tôi, cũng là trách nhiệm của mỗi đại biểu Quốc hội, đại biểu dân cử.

Vậy theo ông, điều gì là quan trọng nhất để tạo dựng mối quan hệ gắn kết giữa báo chí - đại biểu?

Trước hết, cần tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ, nhưng phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự thật, nhìn nhận vấn đề khách quan, toàn diện và chính xác. Nếu nhìn nhận, phản ánh không đúng bản chất, bóp méo, thổi phồng hoặc suy diễn, thì không lâu bền được, nhà báo cũng vậy, đại biểu dân cử cũng thế.

Thông tin trên báo chí có ảnh hưởng và lan tỏa sâu rộng, nhanh nhạy đến đời sống xã hội và tiếng nói của đại biểu Quốc hội, đại biểu dân cử là tiếng nói đại diện cho ý chí, nguyện vọng của dân, cũng rất quan trọng. Do vậy, đòi hỏi cả hai đều phải tôn trọng sự thật, tôn trọng cái đúng, mới tạo nên mối quan hệ tốt đẹp được.

Một điều rất quan trọng nữa là sự chân thành, chân thành thì sẽ xác lập mối quan hệ tin cậy lẫn nhau, đã tin cậy thì mới hỗ trợ nhau làm việc tốt được, chứ thiếu tin cậy thì trao đổi thông tin cũng rất hạn chế, phải ý tứ, gìn giữ. Nhưng sự tin cậy này cũng phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự thật.

Gìn giữ, ý tứ thì ông và nhiều đại biểu khác đều đã thể hiện. Nhưng ông đã phải nổi cáu với phóng viên nào chưa?

Giận thì có, chứ nổi cáu với anh em báo chí thì chưa, vì không dám (cười). Tôi rất tôn trọng anh chị em báo chí, ngay từ khi công tác ở địa phương (ông Học có thời gian dài công tác tại Phú Yên - PV), vì nếu không có báo chí, thì hoạt động của đại biểu dân cử sẽ rất khó khăn. Đôi khi giận vì phóng viên hơi “quá đà” khi tác nghiệp và thiếu tôn trọng.

Báo chí được coi là cầu nối giữa đại biểu và cử tri, mà nếu không tạo lập được cầu nối, làm sao đại biểu đến được với dân? Do vậy, mỗi đại biểu dân cử phải có trách nhiệm làm cho cây cầu này ngày càng dài và rộng ra, vững chắc hơn, góp phần quan trọng để đại biểu làm tròn nhiệm vụ của mình trước nhân dân.

Tin bài liên quan