Tồn tại hay không tồn tại

Tồn tại hay không tồn tại

(ĐTCK) Câu chuyện Chứng khoán Kim Long tính chuyện giải thể trong con mắt của người quan sát còn dễ chịu hơn so với khối doanh nghiệp còn đang vật vã với chuyện “to be or not to be” (tồn tại hay không tồn tại).

Một doanh nghiệp đã có bề dày hoạt động hơn 30 năm thuộc họ Sông Đà hiện đang niêm yết trên sàn HNX. Trong suốt năm 2015, mãi đến khi có chủ tịch mới, người lao động mới nhận được 3 tháng lương vào dịp cuối năm. Vậy mà theo lời một cán bộ quản lý cấp trung tại đây, đó là niềm hạnh phúc với họ.

Những năm trước, vào mỗi dịp Tết đến, nhiều công nhân còn không có tiền để mà về quê, đành đón Tết đạm bạc nơi công trường. Doanh nghiệp này đang ở thế “cưỡi lưng hổ” và buộc phải tồn tại một cách lay lắt.

Hiện Nhà nước sở hữu trên 70% vốn, thị giá trên sàn chỉ còn non nửa mệnh giá. Dù đã có cơ chế để Nhà nước thoái vốn  những cổ phiếu dạng này nhưng hai tổng công ty đang sở hữu chi phối vốn tại doanh nghiệp cũng đang ở thế bí vì khó khăn và không có tiền để trích lập dự phòng.

Nếu như vậy, doanh nghiệp sẽ không đủ điều kiện để thoái vốn và không lãnh đạo nào dám đề xuất chuyện thoái vốn.

Sự bí bách của doanh nghiệp hiện nay bắt nguồn từ chính mục tiêu của những cha đẻ ra nó. Trước đây, doanh nghiệp sống khỏe bởi được chỉ định cung cấp hầu hết vật tư, vật liệu cho các công trình mà các tổng công ty góp vốn thành lập nó cũng như các công ty con của họ làm chủ đầu tư. Nay cơ chế đó đã bị dẹp bỏ, sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường khiến nhiều doanh nghiệp nhà nước yếu thế so với các doanh nghiệp cung ứng tư nhân khác. Chưa kể, chính công ty mẹ của doanh nghiệp này cũng đang phải đương đầu với vô vàn thách thức, thiếu việc làm liên miên.

Thoái vốn không được, giải thể không xong, tồn tại thì lay lắt, vậy mà doanh nghiệp vẫn buộc phải sống, kết quả là lỗ liên tục, nợ khó đòi chồng chất và doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc.

Trước kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016, ông chủ tịch Công ty vốn là một cán bộ khá năng động đang ngược xuôi tìm việc cho doanh nghiệp. Một hướng đi tuy vất vả nhưng có vẻ khả thi hơn đang được doanh nghiệp thực hiện đó là gia tăng năng lực thi công để chuyển dần sang lĩnh vực xây lắp các công trình hạ tầng. Lĩnh vực này, công ty mẹ có thể hỗ trợ về công nghệ, máy móc và nguồn việc thì tương đối dồi dào. “Mệt, nhưng đói thì đầu gối phải bò”, ông chủ tịch cười buồn chia sẻ.

Việc có thể chọn phương án giải thể, theo lời tổng giám đốc một CTCK là điều hạnh phúc. Đã gắn bó với ngành chứng khoán từ những ngày đầu, có nhiều năm kinh nghiệm ở nhiều công ty chứng khoán khác nhau song chưa bao giờ vị CEO này lại thấy không lối thoát như dịp đầu năm nay. CTCK của ông muốn sáp nhập với đơn vị khác nhưng không được chấp thuận vì gánh nặng nợ nần, cứ cầm cự hoạt động thì cũng chán nản vì khách hàng lần lượt bỏ đi, mà với CTCK mở mắt ra là thấy hàng loạt chi phí nào tiền thuê địa điểm, tiền nuôi bộ máy với đầy đủ các phòng ban…

Gặp lại vị CEO tuần qua, thần sắc ông đã khá hơn rất nhiều. Ông bảo, sau rất nhiều suy tính, cổ đông lớn của công ty chọn giải pháp: sẽ bỏ nghiệp vụ môi giới, tự doanh, chỉ còn tập trung vào hoạt động tư vấn.

CTCK có thể thu gọn quy mô để sống bằng hoạt động tư vấn được không? Câu trả lời là không hề dễ dàng vì đi bằng nhiều chân còn khó, nói chi đến một chân. Bởi vậy, bài tính trên của CTCK nọ cũng không hẳn là thượng sách, nhưng họ đang ở thế khó hơn rất nhiều so với Chứng khoán Kim Long vì muốn giải thể còn phải thực hiện một loạt nghĩa vụ đã.

TTCK rất có thể sẽ xuất hiện những CTCK đầu tiên tuyên bố phá sản.

Tin bài liên quan