Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho hay đã nhận được kết luận cuối cùng trong vụ điều tra chống bán phá giá đối với tôn lạnh có xuất xứ từ Việt Nam và Trung Quốc của Ủy ban chống bán phá giá Indonesia (KADI).
Cụ thể, sản phẩm bị điều tra là thép mã hợp kim nhôm kẽm (hay còn gọi là tôn lạnh), có các mã HS 7210.61.11, 7212.50.23, 7212.50.24, 7212.50.29, 7225.99.90, 7226.99.19 và 7226.99.99.
Theo đó, KADI cho rằng, thép mã hợp kim nhôm kẽm (hay còn gọi là tôn lạnh) có xuất xứ từ Việt Nam và Trung Quốc đã bán phá giá, gây ra thiệt hại đáng kể cho các ngành sản xuất tôn lạnh nội địa của Indonesia.
Do đó, tôn lạnh từ Việt Nam nhập vào nước này sẽ bị áp thuế chống bán phá giá từ 3,01 tới 49,2%. Tuy nhiên, theo Cục Phòng vệ thương mại, một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Việt Nam có mức thuế chống bán phá giá tương đối thấp như Tôn Đông Á (3,01%), Tôn Hoa Sen (5,34%).
Quyết định áp thuế chống bán phá giá với tôn lạnh Việt Nam nhập khẩu vào Indonesia sẽ có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày 17/2/2021.
Vụ điều tra chống bán phá giá đối với tôn lạnh có xuất xứ từ Việt Nam và Trung Quốc được KADI khởi xướng từ ngày 26/8/2019. Gần một năm sau đó, vào 30/7/2020, cơ quan này công bố dự thảo kết luận điều tra vụ việc.
Sau khi nhận được thông tin, Cục Phòng vệ thương mại đã phân tích các tài liệu của KADI và trao đổi với các doanh nghiệp có quyền và lợi ích liên quan. Đến ngày 13/8, Cục đã gửi thư phản đối một số nội dung trong dự thảo kết luận của KADI, đến ngày 24/8/2020, KADI thông báo gia hạn điều tra vụ việc thêm 6 tháng. Kết luận sau cùng được công bố hôm 17/2/2021.