Dư nợ bằng vàng còn tồn ước khoảng 4 tấn.
“Nếu có biến động về giá, thì lượng vàng tồn này không tác động đến ngân hàng”, ông Nguyễn Hoàng Minh nhận định và cho rằng, với xu hướng giá vàng giảm hiện nay, khả năng ngân hàng thương thảo với khách hàng chuyển sang tiền đồng sẽ dễ dàng hơn.
Một số ngân hàng chưa tất toán được dư nợ cho vay bằng vàng gồm có SouthernBank, Sacombank, ACB, Eximbank, VietA Bank... Theo lý giải của lãnh đạo một ngân hàng, nguyên nhân là do các hợp đồng cho vay bằng vàng trước đây thường dài hạn (10-15 năm) và đến thời điểm này, chưa kết thúc hợp đồng tín dụng, nên khách hàng không muốn trả trước hạn. Mặt khác, lãi suất vay vàng trước đây khá thấp, nay chuyển sang tiền đồng, sẽ phải chịu mức lãi suất ở mức cao. Hơn nữa, khách hàng đã ký hợp đồng vay vàng với ngân hàng lúc trước hiện cũng gặp không ít khó khăn, do vàng đã biến động tăng mạnh nhiều năm qua, khiến khách hàng khó trả được nợ.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, quyền Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết, đối với tất toán trạng thái huy động vàng, năm 2013, SCB đã thực hiện đúng yêu cầu đưa ra của Ngân hàng Nhà nước (tháng 6/2013). Việc tất toán trạng thái vàng cũng giúp ngân hàng hoàn thành một trong các nội dung quan trọng của chiến lược quản lý vàng tổng thể theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.
Còn đối với số dư trạng thái dư nợ cho vay vàng, hiện SCB vẫn còn một phần nhỏ, nhưng trong thời gian tới, Ngân hàng sẽ thương thảo với khách hàng để chuyển đổi sang tiền đồng. Giá vàng đang trên đà giảm, nếu chuyển dư nợ sang tiền đồng, thì khách hàng sẽ có lợi khi giảm được dư nợ vàng theo sự sụt giảm của giá vàng. Trong khi đó, ngân hàng sẽ thu được lãi cao hơn khi chuyển dư nợ sang tiền đồng.