Simon Wu, nhà tư vấn hàng hóa cấp cao của Wood Mackenzie cho biết, lượng thép tồn kho đang dần chất đống trong các kho của trung tâm sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc, thành phố Đường Sơn, cũng như ở các tỉnh Giang Tô và Sơn Đông. Nhu cầu về thép đang giảm trong bối cảnh đại dịch và hoạt động xây dựng tê liệt.
Hiện đang có một khối lượng lớn thép đang không được sử dụng trên khắp Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế đang ngừng phát triển buộc nhu cầu và giá cả giảm xuống.
Nhu cầu thép thấp cũng phản ánh sự suy thoái trên diện rộng của nền kinh tế Trung Quốc mặc dù dữ liệu gần đây cho thấy một số cải thiện khi sản xuất công nghiệp tăng nhẹ 0,7% trong tháng 5 so với một năm trước.
Ngành công nghiệp sản xuất thép lớn nhất trên thế giới của Trung Quốc có chuỗi cung ứng rộng lớn trải dài từ các lò cao của Trung Quốc đến các mỏ quặng sắt ở Úc và Brazil, những nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất cho Trung Quốc.
Do đó, bất kỳ sự xáo trộn nào bên trong Trung Quốc đều có thể làm ảnh hưởng tới mạng lưới chuỗi cung ứng rộng khắp và có khả năng gây thêm áp lực lên sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc, sản lượng hàng ngày của các sản phẩm thép trung gian như thép thô và gang thép cũng như thành phẩm đã tăng trong tháng 5 khoảng 1 - 3%, trong khi lực cầu lại suy giảm.
Niki Wang, Trưởng nhóm nghiên cứu về quặng sắt của S&P Global Commodity Insights cho biết, tiêu thụ thép thô của Trung Quốc đã giảm 14% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái.
“Nhu cầu thép giảm so với cùng kỳ năm trước lớn hơn nhiều so với sản lượng thép thô. Trong trường hợp đó, các nhà máy thép thực sự đang gặp khó khăn với áp lực lên giá thép”, bà cho biết.
Theo Richard Lu, nhà phân tích nghiên cứu thép tại CRU Group: “Mức tồn kho cao hơn 12% so với năm ngoái và có thể mất gần hai tháng để giảm xuống mức trung bình của 5 năm qua, với giả định nhu cầu thép tăng trở lại”.
Atilla Widnell, Giám đốc điều hành Navigate Commodities Atilla Widnell cho biết, khi đại dịch bùng phát khắp cả nước, những người tiêu thụ thép lớn nhất cũng như các động lực tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc như xây dựng bất động sản và phát triển cơ sở hạ tầng đã không còn nữa.
Tuần trước, dữ liệu mới từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, đầu tư vào bất động sản trong 5 tháng đầu năm đã giảm 4% so với một năm trước đó; doanh số bán nhà cũng giảm 34,5% so với cùng kỳ.
Không thể chỉ đóng cửa lò cao
Mặc dù giá thép giảm làm xói mòn lợi nhuận sản xuất thép, các chủ nhà máy thép vẫn tiếp tục sản xuất.
Các nhà phân tích cho biết, các lò cao của Trung Quốc hiện đang hoạt động gần hết công suất, ở mức hơn 90% và cũng là tỷ lệ cao nhất trong 13 tháng mặc dù biên lợi nhuận thấp hơn. Thậm chí, một số nhà máy còn bị "biên lợi nhuận âm phần lớn" trong tháng 4 và tháng 5.
Dữ liệu cho thấy, giá của các sản phẩm thép phổ biến như thép cây và thép cuộn cán nóng được sử dụng để xây dựng nhà ở đã giảm tới gần 30% sau khi đạt đỉnh vào khoảng tháng 5/2021 sau sự hồi sinh của ngành công nghiệp để khởi động nền kinh tế.
Việc đóng cửa các lò cao có thể không hiệu quả vì các lò phản ứng lớn được sử dụng để biến quặng sắt thành thép lỏng cần phải hoạt động liên tục.
Sau khi ngừng hoạt động, phải mất một thời gian dài, có thể lên đến 6 tháng để khởi động lại hoạt động. “Vì vậy, các nhà máy thép Trung Quốc đang giữ cho các lò cao của họ luôn nóng bằng cách sử dụng các loại quặng cấp thấp hơn để giảm sản lượng với hy vọng có thể tăng nhanh chóng và đáp ứng kịp thời khi nhu cầu thép phục hồi và thời gian phong tỏa tạm thời được dỡ bỏ”, Atilla Widnell cho biết.
Nhà tư vấn hàng hóa Simon Wu cho biết, một lý do khác khiến các nhà sản xuất làm như vậy là họ có thể đạt được mục tiêu sản lượng cho phép hàng năm trước khi Bắc Kinh giảm chúng vào năm tới như một phần trong nỗ lực đạt mục tiêu giảm phát thải vào năm 2030 và 2060.
“Sản lượng mỗi năm được xác định dựa trên sản lượng của năm ngoái. Vì vậy, lợi thế của các nhà sản xuất là phải sản xuất số lượng thép tối đa mỗi năm vì việc cắt giảm sẽ ảnh hưởng tới sản lượng của năm tiếp theo”, ông cho biết.
Sự trở lại của nhu cầu sụt giảm?
Nhu cầu và giá thép đã sụt giảm trong giai đoạn 2012 - 2016 sau khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại khiến giá hàng hóa giảm. Đối với nhiều thợ mỏ phục vụ Trung Quốc, chẳng hạn như những người ở Úc, thì đó là dấu chấm hết cho cái gọi là bùng nổ khai thác.
Chỉ riêng trong năm 2015, các công ty thép lớn của Trung Quốc đã bị thiệt hại hơn 50 tỷ nhân dân tệ (7,5 tỷ USD). Tuy nhiên, đợt suy thoái này không giống như năm 2015 và các nhà sản xuất thép đã học cách chống chọi với biến động.
“Họ sẽ tiếp tục sản xuất thép vì họ phải trả lương và duy trì các dòng tiền khác. Nhiều nhà sản xuất có thể tồn tại hai năm mà không kiếm được tiền. Nhiều người ở ngoài Trung Quốc không hiểu được khả năng phục hồi này”, nhà tư vấn hàng hóa Simon Wu cho biết.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu ban đầu cho thấy ngành công nghiệp đang bắt đầu điều chỉnh với những điều kiện bất lợi này.
Gần đây có tin đồn rằng, chính quyền tỉnh Giang Tô đã yêu cầu các nhà máy thép địa phương cắt giảm sản lượng khoảng 3,32 triệu tấn trong thời gian còn lại của năm mà không rõ đó là nỗ lực để hạn chế tồn kho thép quá mức hay là một phần của việc tuân thủ rộng rãi hơn việc cắt giảm sản lượng và phát thải.
Alex Reynolds, nhà phân tích tại cơ quan giá hàng hóa và năng lượng Argus Media cho biết: “Tôi nghĩ Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được nhu cầu thép trong nước yếu hơn trong năm nay và sẽ sử dụng quyền điều hành để buộc các nhà máy cắt giảm sản lượng như trước đây”.
“Nếu giá thép tiếp tục giảm mạnh với mức lỗ kéo dài, chính phủ Trung Quốc có thể đưa ra con số chính xác về việc cắt giảm sản lượng giống như những gì OPEC đã làm khi đại dịch Covid ở mức nghiêm trọng vào năm 2020 - 2021”, ông cho biết.
Trong khi đó, các biện pháp kích thích từ các chính sách tiền tệ nới lỏng của Bắc Kinh cũng sẽ góp phần hồi sinh nhu cầu thép đang giảm dần.
Giá quặng sắt dao động trong khoảng 130 - 150 USD/tấn trong hai tháng qua, so với mức giá thấp từ 30 - 40 USD/tấn trong giai đoạn sụt giảm 2012 - 2016.