Tồn kho tăng, doanh nghiệp xi măng sụt giảm lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành xi măng ngậm ngùi công bố lợi nhuận sụt giảm, đi kèm với đó là lượng hàng tồn kho tăng cao.
Tiêu thụ xi măng từ đầu năm đến nay khó khăn, khiến lợi nhuận nhiều công ty giảm mạnh.

Tiêu thụ xi măng từ đầu năm đến nay khó khăn, khiến lợi nhuận nhiều công ty giảm mạnh.

Kết quả kinh doanh đi lùi

Kết thúc nửa chặng đường của năm 2020 trong bối cảnh Covid-19 tác động mạnh đến nhiều ngành sản xuất, doanh nghiệp xi măng cũng không ngoại lệ, khi kết quả kinh doanh đi lùi.

Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (mã: BCC) vừa công bố Báo cáo tài chính quý II năm 2020. Tại thời điểm 30/6/2020, Bỉm Sơn có các khoản phải thu ngắn hạn là 501,2 tỷ đồng, tăng 2,5% so với thời điểm 1/1/2020; hàng tồn kho 431 tỷ đồng, tăng mạnh so với 347 tỷ đồng hồi đầu năm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, dù doanh thu bán hàng của Xi măng Bỉm Sơn vẫn tăng trưởng hơn 10%, đạt 2.136 tỷ đồng (cùng kỳ là 1.914 tỷ đồng), nhưng lợi nhuận chỉ đạt 279,8 tỷ đồng, giảm 10 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Theo lý giải của Xi măng Bỉm Sơn, nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm là do giá vốn hàng bán và chi phí bán hàng tăng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng...

Một doanh nghiệp mạnh và có thị trường rộng khắp tại các tỉnh phía Nam là Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (mã: HT1) cũng không sáng sủa hơn. 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của Xi măng Hà Tiên 1 đạt 3.767 tỷ đồng, giảm 13,7% so với cùng kỳ và chỉ hoàn thành 44% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 397 tỷ đồng, hoàn thành gần 48% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế xấp xỉ bằng cùng kỳ, đạt hơn 313 tỷ đồng.

Bán hàng chậm, điều này thể hiện rõ ở lượng hàng tồn kho của Hà Tiên 1 tính đến ngày 30/6 lên tới gần 882 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ là 728 tỷ đồng. Năm 2020, Hà Tiên 1 đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 8.584 tỷ đồng, giảm 3% so với thực hiện năm 2019. Song, kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm 11%, xuống còn 830 tỷ đồng.

Công ty mẹ là Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cũng không nằm ngoài vùng kinh doanh sụt giảm. Ông Bùi Hồng Minh, Chủ tịch HĐTV Vicem cho hay, 6 tháng đầu năm, sản xuất xi măng của Vicem giảm 6,8% so với cùng kỳ; tổng sản phẩm tiêu thụ giảm 5% so với cùng kỳ, trong đó tiêu thụ xi măng giảm 8,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá) giảm 37,3% so với cùng kỳ.

Ảnh hưởng chưa dừng lại

Đại dịch Covid-19 đặt ra thách thức lớn đối với ngành xi măng Việt Nam. Không chỉ làm gián đoạn tới các hoạt động của ngành, dịch bệnh còn tác động trực tiếp đến quá trình thoái trào về nhu cầu tiêu thụ xi măng. Điều này đồng nghĩa với việc, tiêu thụ xi măng trên các thị trường hiện tại có thể giảm sâu trong năm 2020, đặt áp lực lên khả năng cạnh tranh và duy trì hoạt động của các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Bộ Xây dựng đã dự báo, tiêu thụ xi măng nội địa năm 2020 đạt 68-69 triệu tấn, chỉ tương đương mức tiêu thụ năm 2019. Trong khi đó, ngành xi măng Việt Nam tiếp tục đối mặt tình trạng dư cung khi nguồn cung năm 2020 dự kiến khoảng 110 triệu tấn, tăng 6,3 triệu tấn so với năm 2019. 

Hoạt động xây dựng nhà không để ở (nhà máy, khu công nghiệp...), vốn là phân khúc đóng góp mức tăng trưởng cao trong giai đoạn vừa qua, đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tác động của Covid-19. Bên cạnh đó, các phân khúc xây dựng quan trọng như bất động sản nhà ở hay kết cấu hạ tầng cũng chưa có thêm động lực hỗ trợ đáng kể nào, nhu cầu xây mới dự báo tiếp tục có mức tăng trưởng thấp trong nửa cuối năm 2020.

Thị trường khó khăn cả trong nước và xuất khẩu khiến FPTS đưa dự báo về mức tồn kho xi măng trong năm 2020 có thể lên tới 8 triệu tấn, trong khi giá bán xi măng tại 3 miền Bắc, Trung, Nam đều giảm lần lượt là 3,3%, 4,1% và 1,5% so với cùng kỳ 2019.    

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định, xu hướng tiêu thụ chậm lại với ngành xi măng đã thấy rõ do tác động của dịch bệnh và thực tế nguồn cung vẫn đang vượt cầu, dẫn đến cạnh tranh bán hàng giữa các nhà sản xuất trong nước.

“Với bối cảnh thị trường như hiện tại và mặt bằng doanh nghiệp xi măng Việt Nam, những nhà sản xuất có quy mô công suất lớn, có thị trường cả nội địa lẫn xuất khẩu như Vicem, Vissai và khối các doanh nghiệp liên doanh, nước ngoài như Insee, Fico sẽ có lợi thế hơn hẳn”, ông Cung nói.

Theo số liệu thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS), tiêu thụ xi măng nội địa nửa đầu năm 2020 tại các quốc gia trên thế giới gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tiêu thụ nội địa tại các nước xuất khẩu xi măng lớn có sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Indonesia giảm 8%, Thổ Nhĩ Kỳ giảm 4%, Pakistan giảm 17%, Trung Quốc giảm 13%...

Tạp chí International Cement Review ước tính sản lượng xi măng tồn kho của một số doanh nghiệp tại các quốc gia này đã lên tới 3 - 5 tuần tiêu thụ, gây áp lực cạnh tranh giảm giá bán trên thị trường xuất khẩu để giải phóng hàng tồn.

Cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu xi măng trong khu vực đang trở nên gay gắt, cùng với mặt bằng giá xuất khẩu nhìn chung đã giảm đáng kể so với năm ngoái và tiến sát mức giá của các doanh nghiệp Việt Nam, gây áp lực lớn đến triển vọng xuất khẩu của ngành xi măng trong ngắn hạn.

Công ty Chứng khoán FPTS nhận định tiêu cực về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng cho cả năm 2020. Trong đó 2 nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất trong năm nay là nhóm doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu cao trong cơ cấu tiêu thụ và nhóm doanh nghiệp đang có tình trạng tài chính yếu kém. Nửa đầu năm nay, hai nhóm doanh nghiệp này đều có mức sụt giảm 5 - 10% về doanh thu so với cùng kỳ năm 2019.

Tin bài liên quan