Tôm, cá tra Việt Nam đón cơ hội từ thị trường Mỹ

Tôm, cá tra Việt Nam đón cơ hội từ thị trường Mỹ

(ĐTCK) Tôm, cá rô phi là những mặt hàng nằm trong danh mục áp thuế bổ sung lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ. Các doanh nghiệp tôm và cá tra Việt Nam đánh giá đây là cơ hội lớn để thủy sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Mỹ.

Theo thông báo của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Mỹ chính thức áp dụng thuế suất lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc theo đó những mặt hàng trong nhóm này sẽ chịu mức thuế suất trước mắt 10% từ ngày 24/9. Mức thuế này dự kiến có thể tăng lên 25% vào đầu năm 2019.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC), trong lĩnh vực thủy sản, hiện Trung Quốc xuất khẩu vào Hoa Kỳ một số mặt hàng mà chúng ta đang bán vào Hoa Kỳ, trong đó có tôm.

Nếu hai mặt hàng này chịu thuế trong gói 200 tỷ USD thì đây là một thời cơ cho sản phẩm chúng ta thâm nhập sâu hơn thị trường Hoa Kỳ. Cũng theo ông Lực, hiện nay Trung Quốc xuất tôm vào Hoa Kỳ chủ yếu là tôm tươi bao bột.

Mặt hàng này trước đây không có thuế, nay sẽ là 10%. Song mặt hàng này, FMC đang tập trung mở rộng ở Hoa Kỳ trong hai năm qua, nếu gói 200 tỷ USD  thực hiện vào tuần sau, tốc độ bán mặt hàng tôm bao bột vào Hoa Kỳ của FMC sẽ chắc chắn tốt hơn. Đây là một lợi thế không nhỏ trong dài hạn của FMC.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC) cho hay, từ tháng 7 trở lại đây, Minh Phú đã nhận được đặt hàng của khách hàng Mỹ thay thế cho nhập khẩu Trung Quốc trước khi mặt hàng tôm nước này bị đánh thuế nhập khẩu vào Mỹ 10%. Nếu như mức thuế tăng lên 25% thì dịch chuyển đơn hàng chắc chắn sẽ nhiều hơn.

“Doanh nghiệp Trung Quốc trước đây thường nhập khẩu tôm của Ấn Độ về chế biến xuất sang Mỹ với lợi thế được hoàn thuế VAT 13%. Nhưng với mức thuế nhập khẩu mới thì họ khó có lời”, ông Quang nói và cho biết thêm, “những khách hàng ngại rủi ro cũng dịch chuyển đơn hàng sang các nước khu vực châu Á, trong đó tại Việt Nam.

Minh Phú là doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh vì quy mô lớn. Mặt hàng xuất sang Mỹ chủ yếu là tôm tẩm bột. Đâu cũng là mặt hàng Minh Phú đang xuất qua Nhật và châu Âu có tỷ suất lợi nhuận tốt vì các thị trường này khó tính, yêu cầu sản phẩm làm bằng tay”.

Tại CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc cho biết, từ trước đến nay giá cá tra vẫn cao hơn so với giá cá rô phi, tuy nhiên trong 2 năm gần đây, Mỹ có chính sách thắt chặt cá rô phi Trung Quốc, thị phần cá rô phi tại thị trường này cũng giảm.

Cá tra và cá rô phi đều thuộc họ cá thịt trắng, hiện nay giá xuất khẩu cá tra vẫn cao hơn so với cá rô phi. Với chính sách thuế của Mỹ lần này, khó có thể nói tác động trực tiếp bởi cá tra không hẳn cạnh tranh trực tiếp với cá rô phi. Do đó theo bà Tâm, tác động là có nhưng không mấy rõ rệt.

“Tác động có thể có là nếu giá cá rô phi cao, các nhà nhập khẩu Mỹ có thể có xu hướng nhập khẩu ít đi, người tiêu dùng ít cơ hội tiếp cận với cá rô phi thì họ sẽ có cơ hội tiếp cận cá tra, giúp cá tra có cơ hội tiếp cận nhiều hơn người tiêu dùng Mỹ”, bà Tâm nói. 

Mỹ và Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu lớn của Vĩnh Hoàn. Giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ chiếm hơn 64% tổng giá trị xuất khẩu của Công ty nửa đầu năm 2018, tiếp đến là Trung Quốc với tỷ trọng 12%.

Tin bài liên quan