Tín hiệu khởi sắc từ xuất khẩu
Năm nay, ngành thủy sản đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 10 tỷ USD (năm ngoái lập kỷ lục là 11 tỷ USD). Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,64 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt trong một vài tháng gần đây.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản theo tháng. |
Cụ thể, hoạt động xuất khẩu tôm trong quý III/2023 ghi nhận doanh số cao hơn so với những tháng đầu năm, nhờ nhu cầu tăng trở lại ở các thị trường lớn.
Tính tới hết tháng 9/2023, xuất khẩu tôm đạt 2,55 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây. Bên cạnh đó, một số thị trường chính trong khối CPTPP như Nhật Bản, Australia, Canada đang tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
Với cá tra, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,4 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2023, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng hiện đã có dấu hiệu phục hồi ở nhiều thị trường như Trung Quốc, Mexico, Brazil, Hà Lan, Anh, Mỹ.
Giá cá tra và tôm xuất khẩu thay đổi theo kích cỡ và thị trường, nhưng tính bình quân thì mức giá gần đây đã tăng so với giai đoạn đầu năm, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lượng hàng tồn kho thủy sản của Mỹ và Trung Quốc đang giảm dần trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng dịp lễ tết cuối năm gia tăng.
Năm nay, cá tra có thể mang về doanh số xuất khẩu 1,8 - 1,9 tỷ USD, xuất khẩu tôm dự kiến đạt 3,6 tỷ USD và xuất khẩu các mặt hàng hải sản khác đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 9,1 - 9,2 tỷ USD.
VASEP cho rằng, điều cần làm ngay bây giờ của ngành thủy sản là nắm bắt, bám sát tình hình thị trường, trên cơ sở đó giúp người nuôi duy trì sản xuất, duy trì nguyên liệu, đồng thời kiểm soát tốt dịch bệnh. Đặc biệt, tích cực gỡ “thẻ vàng IUU” của Ủy ban châu Âu, nếu thành công trong những tháng cuối năm nay sẽ là bệ phóng cho sự tăng trưởng của ngành thủy sản thời gian tới.
Triển vọng lợi nhuận khả quan
Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) nhận định, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp thủy sản trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ tăng so với 6 tháng đầu năm, nhờ nhu cầu tăng theo mùa vụ. Tỷ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nhiều khả năng được cải thiện trong nửa cuối năm, vì dự báo giá xuất khẩu sẽ tăng so với nửa đầu năm, trong khi giá cá tra và tôm nguyên liệu giảm.
Bên cạnh đó, yếu tố tỷ giá USD/VND tăng trong thời gian qua có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói chung, vì phần lớn doanh thu tính bằng USD, trong khi hầu hết chi phí sản xuất tính bằng VND.
Riêng mặt hàng cá tra, Việt Nam là nước xuất khẩu chủ lực trên thế giới, chiếm đến 95% thị phần cá tra toàn cầu, nên các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ nhu cầu hồi phục của thế giới.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán BIDV nhận định: “Cá tra xuất khẩu sẽ hồi phục trong quý IV/2023 và kéo dài sang năm 2024 nhờ nhu cầu hồi phục và mức tồn kho thấp tại thị trường Mỹ. Cùng với đó, giá cá giống tăng do nguồn cung bị bo hẹp là điểm hỗ trợ cho giá cá tra xuất khẩu”.
HSC dự báo, sản lượng xuất khẩu cá tra trong 6 tháng cuối năm 2023 của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC) sẽ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng hơn 17% so với 6 tháng đầu năm, đạt 40.342 tấn, với giá xuất khẩu bình quân 4 USD/kg. Ngoài ra, nhờ giá cá nguyên liệu ước tính giảm 5,2% so với cùng kỳ và giảm 2,5% so với đầu năm, tỷ suất lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn có thể tăng lên 19,2%.
Dựa trên giả định sản lượng tiêu thụ và tỷ suất lợi nhuận tích cực, HSC kỳ vọng, lợi nhuận thuần của Vĩnh Hoàn trong 6 tháng cuối năm 2023 tăng 23,4% so với cùng kỳ, đạt 790 tỷ đồng, trong khi doanh thu thuần ước đạt 6.243 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ.
Đối với Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán FMC), tỷ trọng tôm tự nuôi tăng góp phần giúp lợi nhuận tăng trưởng. Dự báo, trong nửa cuối năm 2023, Công ty đạt sản lượng 8.637 tấn, tăng 28,7%; doanh thu 2.524 tỷ đồng, tăng 29,2% so với nửa đầu năm.
Thực phẩm Sao Ta cho biết, trong tháng 9/2023, sản xuất tôm thành phẩm đạt 2.339 tấn, tăng 57% so với cùng kỳ; sản xuất nông sản thành phẩm đạt 85 tấn, giảm 26% so với cùng kỳ, nhưng tăng 13% so với tháng 8; sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 1.799 tấn, tăng 39% so với cùng kỳ; sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm đạt 128 tấn, tăng 93% so với cùng kỳ.
Về doanh số chung, trong tháng 9 vừa qua, Thực phẩm Sao Ta đạt 20,3 triệu USD, tăng 125% so với cùng kỳ. Công ty đang trong tiến trình phục hồi, rút ngắn mức độ suy giảm kể từ đầu năm xuống còn 16%. Hiện doanh nghiệp tập trung chế biến các đơn hàng cao cấp cho các hợp đồng giao quý IV/2023.
Theo SSI Research, doanh thu 9 tháng đầu năm 2023 của Thực phẩm Sao Ta đạt 151 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ, thấp hơn mức giảm của toàn ngành, nhờ thị trường Nhật Bản duy trì mức tiêu thụ khả quan. Kỳ vọng, hoạt động xuất khẩu khởi sắc trong quý IV sẽ giúp doanh nghiệp ghi nhận doanh thu cả năm 2023 đạt 5.500 tỷ đồng (giảm 4% so với năm 2022) và lợi nhuận sau thuế đạt 308 tỷ đồng, tương đương năm 2022.
Tương tự, Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự đoán, Vĩnh Hoàn có thể ghi nhận tăng trưởng dương trở lại từ quý IV, động lực đến từ lạm phát hạ nhiệt và mức tồn kho giảm tại Mỹ, nhu cầu tăng phục vụ mùa lễ hội cuối năm tại các thị trường xuất khẩu lớn và so với mức nền thấp của cùng kỳ.
Triển vọng xuất khẩu thủy sản trong năm tới sáng hơn nên Thực phẩm Sao Ta được SSI Research dự báo, năm 2024 đạt doanh thu 5.900 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 11,4% (năm 2023 ước đạt 10,6%).
Còn Vĩnh Hoàn được Công ty Chứng khoán Vietcombank kỳ vọng, năm 2024 đạt doanh thu thuần 11.345 tỷ đồng (năm 2023 ước đạt 11.256 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế 1.408 tỷ đồng (năm 2023 ước đạt 13.390 tỷ đồng).
Trong khi đó, BSC dự báo, Vĩnh Hoàn đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt 12.038 tỷ đồng và 1.667 tỷ đồng trong năm 2024, so với con số ước đạt năm 2023 là 10.216 tỷ đồng và 1.281 tỷ đồng.