Mitsubishi Estate Co đang có kế hoạch xây dựng tòa nhà cao 390m, với 61 tầng tại khu vực trước Nhà ga Tokyo, có thể trở thành tòa nhà cao nhất Nhật Bản. Tòa nhà này, cùng với 27 dự án vừa được khởi động lại tại thủ đô Nhật Bản có thể đóng góp 10 nghìn tỷ yên (91 tỷ USD) cho nền kinh tế Nhật, theo thông báo từ chính phủ nước này trong tháng 5/2016.
Mitsubishi Estate, Mitsui Fudosan Co và Sumitomo Realty & Development Co là 3 công ty phát triển bất động sản đang niêm yết lớn nhất Nhật Bản. Trong tháng 5, cả 3 đều công bố kết quả kinh doanh cho thấy số nợ chồng chất, ảnh hưởng rất lớn tới lợi nhuận.
Hãng tư vấn Jones Lang LaSalle Inc cho rằng, việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản áp dụng mức lãi suất âm đối với các định chế tài chính trong tháng 1/2016 khiến các ngân hàng đẩy mạnh nguồn tiền đầu tư vào thị trường nội địa, riêng đầu tư vào bất động sản sẽ tăng 5% trong năm nay, lên mức 4,3 nghìn tỷ yên.
“Rất nhiều công ty bất động sản tiếp tục mở rộng hoạt động khi có nguồn cung tiền dễ dàng, chi phí thấp và giá bất động sản dự tính sẽ tăng lên”, Takashi Ishizawa, nhà nghiên cứu cấp cao tại Mizuho Securities Co cho biết. Mặc dù vậy, sự tăng trưởng của thị trường bất động sản chứa đựng nhiều rủi ro, bởi nền kinh tế Nhật vẫn đang trong tình trạng suy yếu.
Các khoản nợ của 3 công ty phát triển bất động sản lớn nhất Nhật Bản
Bên cạnh đó, Ngân hàng trung ương Nhật Bản trong ngày hôm nay (20/5) đã công bố số liệu cho thấy, cho vay lĩnh vực bất động sản của các nhà bằng tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay, đạt 67,7 nghìn tỷ yên vào cuối tháng 3, tăng 6,3% so với năm trước đó.
Năm 2014, chính phủ của Thủ tướng Abe đã xác định Tokyo là khu vực chiến lược đặc biệt đối với hoạt động ngoại thương, có các chính sách khuyến khích các nhà phát triển bất động sản xây dựng các tòa nhà lớn hơn, cao hơn nữa tại thủ đô.
Cũng bởi vậy, giá cho thuê văn phòng và bất động sản tại Tokyo đã tăng lên nhanh chóng, khiến các chuyên gia tại Mizuho và Deutsche Bank AG đều phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng quá nóng của thị trường này.