Khi hình thức telesales bị hạn chế thì các công ty bảo hiểm và đại lý dường như đổ tiền cho quảng cáo, ông đánh giá xu hướng này thế nào?
Giới thiệu sản phẩm bằng các hình thức gọi điện, nhắn tin, gửi thư điện tử,… thường đường gọi tắt là telesales. Hình thức này trước đây tràn lan, thậm chí là phản cảm khi làm phiền người khác, giờ đây bị hạn chế hơn rất nhiều với các quy định tại Nghị định 91.
Điều này tất nhiên có ảnh hưởng tới công việc quảng bá, bán hàng của ngành bảo hiểm nói riêng và nhiều ngành hàng khác nói chung vì theo ghi nhận, tùy từng ngành, cách bán hàng này đều mang lại một vài phần trăm doanh thu.
Với ngành bảo hiểm thì không chỉ hình thức bán này bị ảnh hưởng, mà một hình thức bán hàng quan trọng khác là tổ chức hội thảo khách hàng cũng bị chững lại năm nay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Do vậy, việc tiếp cận khách hàng qua đường quảng cáo cũng là điều dễ hiểu. Quảng cáo thì có rất nhiều kênh, tuy nhiên với cấp độ đại lý bán hàng, tôi ghi nhận thấy đó là sự tăng trưởng khá mạnh qua quảng cáo mạng xã hội như Facebook và các ứng dụng của Google. Điều này cũng nằm trong xu thế chung khi Facebook và Google là hai doanh nghiệp chiếm đến 80% thị phần quảng cáo tại Việt Nam.
Ông đánh giá hiệu quả các hình thức quảng cáo này thế nào?
Mỗi phương thức quảng cáo sẽ có sự ưu việt riêng. Chẳng hạn, để làm thương hiệu hoặc hướng dẫn tiêu dùng, rõ ràng các tờ báo chính thống, các hình thức quảng cáo tấm lớn ngoài trời… có ưu thế, nhưng để tiếp cận và tìm kiếm khách hàng tiềm năng thì quảng cáo qua mạng xã hội có thế mạnh vì công nghệ hiện tại cho phép “bắt” rất nhanh nhu cầu người sử dụng qua âm thanh, qua tương tác (click hay chạm) và quan trọng là chi phí thấp, phù hợp với quảng cáo của các đại lý cá nhân.
Nhưng nhiều đại lý bỏ ra vài chục, thậm chí vài trăm triệu đồng để quảng cáo trên mạng xã hội, hiệu quả bán hàng vẫn không cải thiện?
Quảng cáo trên mạng xã hội đơn giản và hiệu quả, nhưng vẫn cần những kỹ năng. Lời khuyên chung với các bạn bán hàng online là nên theo học một khóa ngắn hạn về quảng cáo và bán hàng qua mạng xã hội để nắm bắt được các kiến thức cơ bản.
So với phương thức truyền thống, bán hàng online có sự khác biệt. Chẳng hạn, với phương thức tư vấn hiện tại là gọi điện xin hẹn, xin lời giới thiệu khách hàng mới từ khách hàng hiện hữu,… để tiếp cận và tạo nhu cầu về bảo hiểm tới khách hàng tiềm năng.
Với quảng cáo qua mạng xã hội, quy trình sẽ đảo ngược lại. Khách hàng sẽ thấy giới thiệu sản phẩm bảo hiểm quảng cáo trước, sau đó sẽ chủ động tương tác với tư vấn viên, có thể đơn giản là hỏi thăm thông tin cơ bản qua chat, hoặc cũng có thể gọi để tìm hiểu về sản phẩm… Đây là ví dụ nhỏ về sự khác biệt của 2 cách thức bán hàng này.
Trong một số buổi trao đổi, ông có đề cập tới khái niệm “người nổi tiếng” trong lĩnh vực bảo hiểm trên mạng xã hội. Điều này nên hiểu như thế nào?
Khi kinh tế phát triển, nhu cầu bảo hiểm của người dân ngày càng tăng, song song đó nhận thức của khách hàng về bảo hiểm ngày càng tốt lên. Nhiều khách hàng chủ động lên internet, mạng xã hội tìm hiểu, lựa chọn các sản phẩm bảo hiểm phù hợp để tham gia cho gia đình và bản thân.
Do đó, thời đại công nghệ ngày nay, đại lý bảo hiểm không thể nào không tham gia vào thế giới online.
Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các đại lý bảo hiểm phát triển thương hiệu cá nhân thông qua tài khoản Facebook, Zalo, Twitter, Instagram…, các tài khoản này cần được chăm chút cẩn thận, chuyên nghiệp, thể hiện mình là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính.
Phát triển thương hiệu cá nhân để khách hàng tiềm năng nhận diện, có được sự tín nhiệm, sự tin tưởng lâu dài. Ngoài ra, các khách hàng tiềm năng cũng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin của mình hơn.
Ông Đặng Đình Chính hiện là Giám đốc công ty TNHH Dịch vụ bảo hiểm ITmedia Việt Nam. Ông là tác giả sách bảo hiểm, chuyên gia đào tạo về truyền thông, phát triển thương hiệu cá nhân và quảng cáo trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ hàng đầu Việt Nam.
Website: dangdinhchinh.vn