“Tôi tin triển vọng của TTCK là  tích cực”

“Tôi tin triển vọng của TTCK là tích cực”

(ĐTCK) Giai đoạn xấu nhất đã qua, những điều bi quan không đáng bi quan nữa, nên con đường phía trước là tích cực.

Con người cứ tiếp tục nghi vấn, nhưng dân cư thì luôn phải vận động để tiếp tục sống. Nhu cầu từ cuộc sống đang tạo ra các giá trị mới, làm thay đổi chính cuộc sống của mỗi người, mỗi quốc gia và cả thế giới. Đó là sức mạnh lớn nhất khiến nền kinh tế cũng như TTCK luôn vận động và vận động theo hướng tích cực. TS. Vương Quân Hoàng chia sẻ với ĐTCK.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã tác động rất lớn đến nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam . Gần 5 năm, nền kinh tế, nhất là TTCK đã phải trải qua rất nhiều “va đập” và chưa biết khó khăn bao giờ mới kết thúc. Ông nhìn nhận triển vọng nền kinh tế là như thế nào?

Nền kinh tế khó khăn, đó là điều không ai phủ nhận. Khó khăn kéo dài khiến người dân có 2 trạng thái tâm lý chủ đạo, băn khoăn và không biết tương lai phía trước như thế nào. Nhưng nền kinh tế vẫn đang vận động, vẫn có hàng chục triệu dân cư hàng ngày, hàng giờ xoay sở để sống và vươn lên. Đây chính là yếu tố nền tảng để có cái nhìn lạc quan hơn vào tương lai phía trước. Lạc quan, nhưng không phải lạc quan tếu. Chúng ta đã được học những bài học quý của giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Dù cuộc khủng hoảng đó chưa kết thúc, nhưng những bài học đó đang và sẽ giúp bớt vấp ngã, hiểu rõ hơn sự vận động mang tính toàn cầu. Một điểm đáng lạc quan nữa là người dân Việt Nam có khả năng thích ứng cao và có xu hướng tiếp cận với sự hài hòa của cuộc sống. Theo tôi, giai đoạn xấu nhất đã qua, những điều bi quan không đáng bi quan nữa, nên con đường phía trước là tích cực.

 

Thị trường vẫn có chỗ cho những phép tính đúng và suy nghĩ đường dài

Những bài học quý, như ông vừa nói, là gì?

Trước hết là bài học phải thích nghi với sự thay đổi của toàn cầu hóa. Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) 6 năm và chúng ta nhận ra rằng, sự liên thông của nền kinh tế toàn cầu khiến phân công lao động xã hội diễn ra mạnh mẽ, theo bản chất thực của mỗi chủ thể và từng nền kinh tế. Cả thế giới đang dịch chuyển. Việt Nam cũng đang dịch chuyển. Thực tế này đặt ra rất nhiều rủi ro nhưng cũng mang đến những cơ hội mới. Thay vì tư duy kinh doanh trong một nền kinh tế tĩnh, chúng ta đang phải học cách tư duy kinh doanh trong một thế giới mở, luôn vận động và đào thải khốc liệt. Những DN bảo thủ, khăng khăng giữ truyền thống sẽ rất khó tồn tại, còn những chủ thể dám thay đổi để thích ứng nhanh với sự chuyển động của nền kinh tế, sẽ đứng vững và vươn lên. Hãy nhìn trên TTCK, cùng trong ngành cao su, nhưng những DN làm nông sản thuần túy chịu rủi ro rất lớn về giá cao su tự nhiên, vì họ chỉ có cách bán mủ cao su thu tiền. Nhưng nhiều DN chế tạo cao su thì đang hoạt động rất tốt, vì họ đã bước đầu tiếp cận được với chuỗi phân phối sản phẩm toàn cầu.

Khó khăn cũng khiến người ta nhận rõ hơn một quy luật của cuộc sống: “Khi nước lên thì cá ăn kiến, khi nước xuống thì kiến ăn cá”. Chính bài học này khiến chúng ta bình tĩnh hơn trước các hiện tượng xã hội. Hàng chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn DN ngừng hoạt động, phá sản, trong đó có cả những DN lớn, thậm chí rất lớn như một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Thực tế này dạy chúng ta cách tư duy về một nền kinh tế mới, một nền kinh tế sáng tạo, bởi DN mới vẫn liên tục sinh ra, sẽ làm giảm hiệu suất sinh lời của các DN cũ. Những DN này nếu đi theo lối mòn và không chịu đổi mới, chắc chắn sẽ bị đào thải.

 

TTCK Việt Nam mới hơn 10 năm tuổi, nhưng phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc và dường như số người thất bại nhiều hơn số người thành công. Nếu quay trở lại điểm xuất phát của TTCK, ông có cho rằng, sự ra đời của TTCK Việt Nam là cần thiết, hay không?

Rất nhiều người đã thất bại trên TTCK, nhưng không thể phủ nhận vai trò trọng yếu của TTCK Việt Nam khi thị trường này giúp Chính phủ cũng như người dân cảm nhận rõ về sự vận động của một nền kinh tế thị trường. TTCK là một thực thể phức tạp và tinh vi. Chỉ có thị trường này mới giúp nhận thấy rõ nhất, nhanh nhất những khoảng trống trong tư duy và hành động để có thể hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Xây một TTCK hoàn chỉnh là việc rất khó, nhất là trong bối cảnh Việt Nam còn phải đi học, học cái mới và học cả những bài học đã cũ. Phải tổ chức thị trường như thế nào để các chủ thể tham gia được đối xử bình đẳng và công bằng. Đó không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ, của ngành chứng khoán, mà còn là của các DN, các Sở GDCK. Như một hiệu ứng tự nhiên, vấn đề càng hóc búa, càng thu hút mối quan tâm của xã hội, thu hút những bộ óc thông minh muốn thay đổi hiện trạng sống. Đây cũng là một nguồn sức mạnh để thúc đẩy thị trường đi lên.

 

Làm thế nào để xây một thị trường minh bạch và công bằng trong bối cảnh tính minh bạch của nền kinh tế và nhiều chủ thể trong đó còn thấp, theo ông?

Sự minh bạch, nói thì dễ nhưng thực thi rất khó. Xét về yếu tố con người, chúng ta thường hay nhận mình là trung thực, nhưng có bao nhiêu người thực sự trung thực? Trong một gia đình, có một người quyền lực, giàu có, ta dễ thấy tự hào và khen ngợi. Nhưng nếu nhân vật quyền lực và giàu có đó ở một gia đình khác, có thể ta lại nghi ngờ và nguyền rủa họ. Bản thân mỗi con người khó trung thực với chính mình thì xét về nguyên lý sống, muốn cả xã hội phải trung thực và minh bạch là quá khó.

Tuy nhiên, thị trường vẫn có chỗ cho những phép tính đúng và suy nghĩ đường dài. Không thể phủ nhận rằng, có những DN đang đánh bóng hình ảnh của mình, nhưng có nhiều DN khác đang phát triển lành mạnh. Nhiều nhà đầu tư thua lỗ, nhưng cũng không ít người thành công nhờ TTCK. Chỉ có điều khi sự minh bạch còn là một điểm yếu, thì những quy luật tự nhiên của thị trường sẽ hoạt động, ở đó có sự trừng phạt khắc nghiệt theo cách của thị trường. Sự che giấu thông tin có thể có lợi trong ngắn hạn, nhưng DN sinh ra là để sống lâu dài và khi sự thật bị bộc lộ, hậu quả là rất lớn. Thời gian sẽ giúp chúng ta hiểu ra rằng, minh bạch là một giá trị quan trọng, đặc biệt với lĩnh vực chứng khoán. Sớm hay muộn thị trường cũng sẽ tìm cơ hội để củng cố giá trị này.

 

Hãy “bật sáng” HNX30

TS. Vương Quân Hoàng, Thành viên Hội đồng chỉ số

TS. Vương Quân Hoàng, Thành viên Hội đồng chỉ số

Về HNX30, theo tôi, đây là một chỉ số tốt, được thiết kế cẩn thận, chiếm tỷ trọng lớn về thanh khoản và giá trị vốn hóa tại HNX. Những lần điều chỉnh chỉ số là cần thiết để cập nhật theo sự vận động của thị trường và các nguyên tắc ban đầu của chỉ số. Tôi cho rằng, HNX 30 đã có năm đầu tiên hoạt động trơn tru.

TTCK Việt Nam sôi động, có vai trò rất lớn của nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài không thể đọc tất cả các mã cổ phiếu trên HNX (trên 300) - việc rất tốn thời gian và nguồn lực. HNX30 đã mang đến sự tiện lợi và văn minh về thông tin và những giá trị mới cho thị trường.

Trong HNX30 có sự phân bổ không đều giữa các cổ phiếu. Điều này cho thấy sự trung thực của chỉ số và phán ánh đúng đánh giá của nhà đầu tư. Một điểm quan trọng nữa là HNX30 do Sở GDCK Hà Nội - một cơ quan Nhà nước xây dựng. “Cọc tiêu” Nhà nước này tạo nên sự tin cậy. Cũng là xây chỉ số, nhưng nếu do một tổ chức bên ngoài làm, có thể sẽ có nhiều nghi vấn, còn khi đó là sản phẩm của Sở, của Nhà nước thì sự tin cậy cao hơn.

Tuy nhiên, tôi cũng có một số góp ý: HNX30 chọn lọc DN theo sự thanh khoản và vốn hóa lớn của các cổ phiếu, bám theo DN và điều chỉnh theo sự vận hành của DN. Những DN được lựa chọn đã nhận được những giá trị nhất định khi cổ phiếu của họ là điểm nhấn của thị trường, nhận nhiều hơn sự quan tâm của nhà đầu tư và từ đó, góp phần quảng bá tên tuổi của DN. Tuy nhiên, đáp lại những giá trị nhận được, DN dường như chưa trả lại sự minh bạch tương xứng ra thị trường. Ở đây còn một khoảng cách mà DN cần hiểu và đáp ứng tốt hơn.

Một vấn đề khác là HNX30 được xây dựng chuẩn mực, nhưng dường như chưa thấy công năng đầy đủ của chỉ số này. Nhiều người tham khảo HNX30, nhưng số người sử dụng để làm công cụ đầu tư còn ít. Phải chăng, còn những việc chúng ta chưa làm tới nơi, tới chốn?

Tôi cho rằng, HNX30 cần làm truyền thông tốt hơn, cần giới thiệu về công năng của chỉ số nhiều hơn. Chẳng hạn, nếu kết nối và đưa thông tin về HNX30 lên những kênh thông tin lớn trong nước và quốc tế, họ sẽ giúp “bật đèn” trên toàn cầu. Hãy chủ động thực hiện những mẩu tin tốt và chuyển đến giới truyền thông. Đó là cách làm tốt nhất để nhiều người biết đến HNX30 hơn và khi hiểu về chỉ số, họ sẽ dùng nhiều hơn.

Một vấn đề nữa là cần hợp tác chặt hơn với giới nghiên cứu, những học giả thực thụ. Họ có thể sẽ cần nhiều thời gian để đưa ra những giải pháp mới, nhưng đó chắc chắn là những cải tiến cần thiết cho chặng đường dài HNX30 sẽ đồng hành cùng TTCK Việt Nam .