Ông Phạm Gia Bảo, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền báo cáo tại Hội nghị

Ông Phạm Gia Bảo, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền báo cáo tại Hội nghị

Tội phạm tham ô tài sản: Nguy cơ rửa tiền cao

(ĐTCK) Thông tin tại Hội nghị trực tuyến công bố kết quả đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố và Kế hoạch hành động, giải quyết rủi ro diễn ra sáng 17/5 cho biết, các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam đã đưa ra danh sách 17 loại tội phạm nguồn chính của tội rửa tiền vào đánh giá.

Trong nhóm tội phạm về tham nhũng, so với tội hối lộ và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, số vụ án bị truy tố, xét xử về tội tham ô tài sản cao hơn (cụ thể, năm 2016 xét xử 80 vụ với 161 bị cáo, năm 2017 xét xử 18 vụ với 41 bị cáo).

Qua các vụ án tham ô tài sản được xét xử có thể thấy, các khoản tiền bị chiếm đoạt là rất lớn, có những vụ án số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng và số tiền này chủ yếu được sử dụng cho mục đích chi tiêu cá nhân, mua sắm bất động sản, tài sản có giá trị hoặc “rửa tiền”.

“Trên cơ sở phân tích những nội dung nêu trên, có thể kết luận nguy cơ rửa tiền đối với loại tội phạm này là cao”, Báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017 nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam mới tiến hành điều tra, khởi tố 01 vụ án về tội rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô.

So với các loại tội phạm nguồn khác của tội rửa tiền, số liệu truy tố, xét xử đối với loại tội phạm nhận hối lộ tương đối thấp (năm 2016 xét xử 15 vụ với 53 bị cáo, năm 2017 là 83 vụ với 151 bị cáo).

Thực tế, hành vi nhận hối lộ thường khó phát hiện nhưng những năm gần đây những vụ án nhận hối lộ thường có giá trị lớn dẫn đến nguy cơ rửa tiền đối với tội phạm này ngày càng tăng cao. Số tiền phải thi hành án đối với tội hối lộ năm 2017 tăng gấp 3 lần so với năm 2016. Qua đó, đánh giá kết luận nguy cơ tiềm ẩn về rửa tiền đối với loại tội phạm này là trung bình cao.

Đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, trong cơ cấu án về các tội phạm tham nhũng, số vụ án và bị cáo bị xét xử hàng năm đối với tội phạm này là thấp hơn so với tội tham ô tài sản và cao hơn so với tội hối lộ (số liệu xét xử đối với loại tội phạm này vào năm 2016 và 2017 lần lượt là 26 vụ với 42 bị cáo và 34 vụ với 48 bị cáo).

Đồng thời, số tiền phải thi hành án đối với loại tội phạm này chiếm tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu án về các tội phạm tham nhũng (số tiền phải thi hành án năm 2016 là 18,1 tỷ đồng, tương đương 0,82 triệu USD, năm 2017 là 64,4 tỷ đồng, tương đương 2,93 tỷ USD).

Tội phạm lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm tội tham nhũng nên cần đặc biệt quan tâm theo dõi trong quá trình điều tra về tội rửa tiền và kết luận nguy cơ rửa tiền đối với loại tội phạm này là trung bình cao.

Thực hiện Kế hoạch số 192-KH/BCĐTW, ngày 4/9/2018 và Quyết định số 196-QĐ/BCĐTW, ngày 26/10/2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo), sáng 15/5, Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo do đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương làm Trưởng đoàn, đã kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

Kết quả kiểm tra cho biết, từ năm 2013 đến tháng 9/2018, tổng số tiền các tổ chức tín dụng bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế gần 62.800 tỷ đồng, 18,52 triệu USD.

Các tổ chức tín dụng đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan Thi hành án dân sự thu hồi được hơn 10.843 tỷ đồng (đạt 17,26%), 10,09 triệu USD (đạt 54,48%).

Tin bài liên quan