Nhiều “sếp” chứng khoán thời gian qua phải tra tay vào còng số 8!

Nhiều “sếp” chứng khoán thời gian qua phải tra tay vào còng số 8!

Tội phạm chứng khoán - còn những ai chưa lộ diện?

Tội phạm trong ngành chứng khoán đang dần đuổi kịp “trình độ” với tội phạm ngân hàng?

Kể từ trường hợp vụ án hình sự đầu tiên xảy ra cách đây hai năm - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Dược Viễn Đông Lê Văn Dũng bị bắt và xét xử về tội thao túng giá chứng khoán, danh sách tội phạm trên TTCK đã dày lên nhanh chóng.

Có thể kể đến vụ vỡ nợ của Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Huỳnh Thái Học chiếm đoạt tài sản của CTCK Đại Việt… và gần đây là dồn dập các “sếp” chứng khoán phải tra tay vào còng số 8.

Nhưng nếu vụ vỡ nợ hàng ngàn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán tự do của Huỳnh Thị Huyền Như làm thị trường rúng động vì quy mô và tính… bất ngờ của nó, thì những vụ việc trong thời gian ngắn gần đây thì thị trường không bày tỏ chút cảm xúc ngạc nhiên nào.

Nguyên Tổng giám đốc Chứng khoán Liên Việt Hoàng Xuân Quyến bị bắt để điều tra tội danh “lạm dụng quyền hạn trong khi thi hành công vụ” vì đã nhận thế chấp cổ phiếu OTC (nghiệp vụ chưa được HĐQT cho phép thực hiện) - gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng, sẽ không xảy ra nếu HĐQT không tố cáo. Còn việc CTCK thực hiện các nghiệp vụ chưa được pháp luật cho phép (chưa nói đến HĐQT cho phép) thì thị trường không còn lạ lẫm gì.

Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại CTCK SME, mà Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phan Huy Chí và Phó chủ tịch Phạm Minh Tuấn bị khởi tố, không gây bất ngờ vì hợp đồng Hợp tác đầu tư - là một hình thức CTCK lách luật để cấp tín dụng trái phép cho khách hàng - đã được báo chí phản ánh rất nhiều. Hai con sóng tăng để giải chấp vào năm ngoái là một chứng cứ lịch sử không thể chối cãi cho những cách thức lách luật như thế này.

Còn vụ mới đây nhất - “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che dấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; Thao túng giá chứng khoán” tại Chứng khoán Sacombank vừa được khởi tố lại được đánh giá là diễn ra… hơi chậm vì những bùng nhùng tại đây … đã được lan truyền từ lâu.

Qua những vụ khởi tố vừa diễn ra, có thể nhận ra vài điều:

Thứ nhất, trình độ ”phạm pháp trong ngành chứng khoán ngày càng tinh vi và sắp đuổi kịp tội phạm… ngân hàng. Vì sao đến bây giờ cơ quan công an mới khởi tố được các hành vi diễn ra từ… vài năm trước?

Thứ hai, hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ trên TTCK còn lỏng lẻo. Chính những kẽ hở trong luật pháp đã tạo cơ hội cho các hành vi lách luật của CTCK - ví dụ như vấn đề dùng Hợp đồng hợp tác đầu tư để lách quy định cấm cấp tín dụng cho khách hàng. Ai đó có thể biện minh cho việc luật pháp chưa chặt chẽ, các nhà làm luật không theo kịp và lường trước được hết những vấn đề trong thực tiễn… là do thị trường còn non trẻ, nhưng hãy nhớ rằng chúng ta có sự chuẩn bị cho sự ra đời của TTCK từ những năm 90 của thế kỷ XX.

Nhưng đến bây giờ, một hành vi nghiêm trọng bị xử phạt rất nặng (thậm chí bị truy tố hình sự) ở nhiều thị trường tài chính trên thế giới là “giao dịch nội gián” thì tại Việt Nam - nó lại được gọi bằng cái tên “rất học thuật” là… sử dụng thông tin nội bộ và bị xử phạt… vài chục triệu đồng - trong khi khoản lợi bất chính mà cá nhân vi phạm nhận được (cũng là thiệt hại của NĐT) lên đến hàng tỷ đồng thì không bị thu hồi.

Nên chăng các nhà làm luật cần quan tâm đến… điện ảnh, cụ thể là bộ phim nổi tiếng thế giới Wall Street (Mỹ). Trong đó, nhân vật chính tán gia bại sản và phải vào tù vì giao dịch nội gián. Bộ phim này làm vào năm 1987(!?).

Thứ ba, sự giám sát của cơ quan chức năng và bản thân thị trường còn kém. Các vụ việc trên được phát giác là do: HĐQT tố cáo (Chứng khoán Liên Việt), cổ đông tố cáo (Chứng khoán Sacombank) và báo chí góp phần đưa vụ việc đến với cơ quan công an.

Cũng phải thấy rằng chỉ khi thiệt hại là rõ ràng và không thể khắc phục thì HĐQT và cổ đông (rất ít HĐQT và cổ đông) mới lên tiếng , báo chí lúc ấy mới có cơ hội phản ánh; còn tại thời điểm quyền lợi của họ bị xâm phạm thì không ai biết, lúc này mới cần đến cơ quan quản lý và cơ quan chức năng bằng các công cụ của mình phát hiện, ngăn chặn trước khi hành vi phạm pháp gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Nhưng vấn đề muôn thuở vẫn là ở con người. Quy trình có chặt chẽ, luật pháp có đồng bộ, nghiêm minh… thì cũng chỉ góp phần giảm thiểu hành vi phạm pháp mà thôi. Khi mà đồng tiền còn lên ngôi trong thang giá trị sống, đạo đức kinh doanh còn bị xem nhẹ thì sẽ còn những vụ việc phạm pháp về sau này - chỉ khác là với mức độ tinh vi hơn, thủ đoạn hơn và hậu quả nghiêm trọng hơn.

 

Kết!

Chắc chắn rằng nếu thị trường vẫn thăng hoa, giới đầu tư vẫn còn trong cơn hoang tưởng về giấc mộng đổi đời trên TTCK thì có lẽ những vụ việc như thế này không bao giờ được đưa ra ánh sáng. Chỉ khi “cháy nhà mới ra mặt chuột” - cơn ảm đạm trong hai năm qua là cơ hội tốt để thị trường tự nhìn nhận lại mình, chữa trị những ung nhọt còn tồn tại trước khi nghĩ đến chuyện vươn vai phát triển về lâu dài.

Điều mà dư luận trông đợi tiếp theo là những ung nhọt nào còn tồn tại, đã được chỉ mặt đặt tên, nhưng chưa được đưa ra ánh sáng của luật pháp? Các CTCK bị rút nghiệp vụ môi giới, bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, dùng tiền NĐT bừa bãi, hay các con sóng bất thường từ những cổ phiếu nhỏ lẻ mang lại lợi nhuận khổng lồ… và nhiều vấn đề nổi cộm khác của thị trường… chẳng lẽ lại không có dấu vết của những hành vi mờ ám và phạm pháp?