Lực đỡ vĩ mô
Tại Hội thảo, TS. Võ Trí Thành cho biết, 9 tháng đầu năm 2014, kinh tế vĩ mô vẫn còn khó khăn, nhưng đã có nhiều cải thiện đáng ghi nhận.
Điều này thể hiện qua lạm phát thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây; dự trữ ngoại hối tăng và hiện đạt khoảng 35 tỷ USD; thông điệp về chính sách của Chính phủ là tiếp tục củng cố và duy trì ổn định vĩ mô, khuyến khích tăng đầu tư và tiêu dùng cá nhân… Diễn biến trên sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
“Tôi không muốn thị trường chứng khoán quá hứng khởi, vì như vậy dễ phản ánh méo mó triển vọng thực tế của bức tranh kinh tế vĩ mô”, ông Thành nói.
Thực tế, kinh tế vĩ mô hiện vẫn bộc lộ không ít khó khăn, đặc biệt là nợ xấu tăng. Điều này tác động không tích cực đến hai điều thị trường đang mong đợi là giảm thêm lãi suất và tăng trưởng tín dụng mạnh hơn.
Tuy bối cảnh vĩ mô, nhất là lạm phát thấp là một trong những yếu tố quan trọng để xem xét giảm lãi suất, nhưng xét trong mối tương quan với tốc độ tăng trưởng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng thời gian gần đây, thì dư địa cho giảm mặt bằng lãi suất không nhiều. Nhiều khả năng lãi suất sẽ đi ngang từ nay đến cuối năm. Diễn biến này sẽ không giúp nhiều cho cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, cũng như giảm thêm chi phí vốn cho doanh nghiệp.
Ngân sách và nợ công cũng đang có dấu hiệu gia tăng. Tỷ lệ nợ công trên/GDP vẫn trong ngưỡng an toàn cho phép, nhưng điều đáng quan ngại là tốc độ nợ công tăng nhanh trong những năm gần đây; tỷ lệ phát hành trái phiếu để đảo nợ ngày càng lớn. Chi tiêu từ ngân sách tăng, nhưng hiệu quả đầu tư công chưa có nhiều cải thiện.
9 tháng năm 2014, doanh nghiệp hoạt động trong một số ngành tiếp tục tăng trưởng, nhưng diễn biến này chưa mang tính phổ quát với nhiều ngành.
“Tuy nhiên, với nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế đang đi đúng hướng và Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội lớn từ việc ký kết, thực thi các hiệp định thương mại mới, nền kinh tế vĩ mô sẽ có thêm những nhân tố tích cực trong giai đoạn 2014 - 2015”, ông Thành nhấn mạnh.
Dư địa tăng giá chứng khoán
“VN-Index đang có P/E là 15,7 lần, chưa quá đắt so với các thị trường trong khu vực. Chỉ số chứng khoán hiện không đắt so với triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2014”, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Công ty StoxPlus nói và cho rằng, dựa trên triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp, VN-Index nhiều khả năng sẽ được tiếp tục hỗ trợ từ nay đến cuối năm. Do đó, dư địa tăng giá chứng khoán vẫn còn. Tuy nhiên, diễn biến tăng giá sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành/doanh nghiệp, trong đó ngành hàng tiêu dùng có nhiều triển vọng.
Ông Thuân cho biết, số liệu của 90 doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng với tổng doanh thu hàng năm lên đến 8,5 tỷ USD cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, doanh thu tăng trưởng 14,9%. Trong trường hợp lãi suất giảm thêm so với mặt bằng hiện tại, thì các ngành bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, tài nguyên và khoáng sản… sẽ được hưởng lợi.
“Sắp tới, ngoài yếu tố lợi nhuận, sóng chứng khoán có thể đến từ chỉ tiêu kinh doanh theo kế hoạch của doanh nghiệp”, ông Thuân lưu ý.
Liên quan đến triển vọng của các ngành nghề, ông Thành cho rằng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm, du lịch, giải trí… sẽ có triển vọng tích cực hơn trong thời gian tới.
Ngoài ra, do xu thế liên kết chuỗi sản xuất và cụm ngành ngày càng phát triển, nên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, phân phối, thương mại, chế tạo… cũng sẽ có kết quả kinh doanh khả quan, nhất là khi Việt Nam đang ngày một hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và toàn cầu.