Tối hậu thư cho doanh nghiệp nhà nước thoái vốn

Tối hậu thư cho doanh nghiệp nhà nước thoái vốn

Những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang chôn vốn ngoài ngành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm sẽ phải hoàn thoái vốn trước năm 2015, nếu không sẽ bị “ép” bán cho các ngân hàng thương mại nhà nước, cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC),  hoặc quyền đại diện chủ sở hữu tại ngân hàng của các tập đoàn này sẽ bị chuyển giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Chậm thoái vốn, mất quyền định đoạt

Cuối tuần qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 15/2014/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, đối với việc thoái vốn ngoài ngành của các DNNN trong lĩnh vực ngân hàng, Nghị quyết nêu rõ, có thể giao các ngân hàng thương mại nhà nước mua lại phần vốn của các tập đoàn, DNNN tại các ngân hàng thương mại, hoặc chuyển NHNN làm đại diện chủ sở hữu.

Nếu như thực hiện các giải pháp trên hoặc tự thoái vốn không thành công, Chính phủ sẽ giao SCIC xem xét, mua lại phần vốn mà các tập đoàn, DNNN đã đầu tư trái ngành vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng.

Giá mua sẽ được SCIC xác định theo giá thị trường, nhưng không cao hơn giá trị trên sổ sách kế toán trừ đi khoản dự phòng giảm giá đầu tư đã được trích lập đầy đủ theo quy định. Các tập đoàn, DNNN có trách nhiệm thông báo cho SCIC xem xét mua lại các khoản đã đầu tư vào các lĩnh vực trên.

Trước đây, đã có nhiều ý kiến đề xuất phương án giao SCIC mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành tại các tập đoàn, DNNN, để các DN này tập trung vào lĩnh vực chính. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, tính đồng thuận chưa cao vì chưa có quy định cho phép giao dịch dưới giá trị sổ sách. Với quy định như trên, SCIC có thể yên tâm mua lại vốn nhà nước theo giá thị trường, phần vốn Nhà nước đầu tư ngoài ngành, nếu thua lỗ đã được DNNN bỏ tiền ra trích lập dự phòng đầy đủ.

Như vậy, tối hậu thư cho việc thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, DNNN trong lĩnh vực ngân hàng đã được đưa ra và dù có tiếc nuối đến đâu, từ nay đến hết năm 2015, các tập đoàn, DNNN sẽ phải thoái hết vốn khỏi lĩnh vực này, nếu không muốn bị xử lý trách nhiệm và cưỡng chế thi hành.

Trong trường hợp bất đắc dĩ, DNNN không thoái vốn đúng lộ trình, việc chuyển giao phần vốn này cho SCIC, các ngân hàng thương mại nhà nước hoặc chuyển giao cho NHNN đại diện chủ sở hữu cũng sẽ khiến Nhà nước không bị thiệt, nói cách khác, chỉ là “lọt sàng xuống nia”.

Cuộc tháo chạy chưa dừng lại

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngày 7/3, TS. Nguyễn Đức Sơn, Thành viên HĐTV Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1- VNF1) cho biết, cách đây vài tháng, VNF1 đã hoàn thành thoái vốn khỏi 3 ngân hàng. Như vậy, VNF1 là cái tên mới nhất trong danh sách các tập đoàn, DNNN hoàn thành thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng.

Hiện tại, Tập đoàn VNPT cũng đang đăng ký bán hết vốn tại Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh (từ 20/2 đến 21/3). Trước đó, Vietnam Airlines cũng đã thoái toàn bộ vốn khỏi Bảo Minh và hiện Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cũng đang chào bán, thoái toàn bộ vốn khỏi Bảo Minh.

Trước đó, trong năm 2013, hàng loạt tập đoàn, DNNN cũng “tháo chạy” khỏi lĩnh vực ngân hàng. Cụ thể, cuối năm 2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chào bán thành công 5,25% vốn  để rút tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình tại ABBank từ 21,27% xuống 16,02%. Trước đó nữa, Vietnam Airlines cũng hoàn thành thoái vốn tại Techcombank.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo của PVN cho hay, tập đoàn này đang tìm đối tác để thoái vốn khỏi OceanBank, nhưng chưa tìm được đối tác!

Hiện PVN cũng đang nắm cổ phần tại OceanBank và Pvcombank. Theo tính toán, nếu tính theo giá trị cổ phiếu, khoản đầu tư của PVN tại Pvcombank bị lỗ tới 60 - 70%. Như vậy, bán ra thị trường, họ sẽ chịu một khoản lỗ khá lớn, còn nếu muốn được SCIC mua lại, khoản trích lập cũng không nhỏ.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc Chính phủ ra tối hậu thư cho các DNNN và cho phép thoái vốn dưới giá trị sổ sách sẽ đẩy nhanh quá trình thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng. Việc thoái vốn này không ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng, song có thể sẽ khiến một số tập đoàn, DNNN thua lỗ. Dù vậy, nếu có “ngâm vốn” thêm nữa, DNNN chưa chắc đã bán được giá cao hơn, trong khi lại không tập trung được vốn vào lĩnh vực chính.

Hiện ngoài PVN, nhiều tập đoàn, DNNN khác cũng cho rằng, họ đang gặp khó khăn khi thoái vốn ngân hàng do giá thị trường không phù hợp. Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng, sẽ sai lầm nếu tiếp tục duy trì quan điểm “đợi thị trường chứng khoán phục hồi mới thoái vốn”, nên phải cắt lỗ để giảm thiệt hại, bởi nếu tiếp tục để, có thể các khoản đầu tư sẽ mất luôn cả vốn.

Với quyết tâm thoái vốn ngoài ngành của Chính phủ, chắc chắn, các DNNN không thể chần chừ trong việc rút chân ra khỏi lĩnh vực ngân hàng. Đây được coi là một trong những nguyên nhân khiến làn sóng M&A trong lĩnh vực ngân hàng tiếp tục sôi động năm 2014-2015.

Tin bài liên quan