Trong năm 2025, các cơ quan chức năng sẽ siết chặt việc kiểm soát các nền tảng xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam
Từ “phát súng” của Bộ Tài chính
Trong diễn biến mới nhất, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa gửi văn bản đề nghị 100 ngân hàng và trung gian thanh toán kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay khi thanh toán các giao dịch với Agoda, AirBnB, Booking và PayPal. Đây là 4 nền tảng kinh doanh thương mại điện tử trên nền tảng số tại Việt Nam, nhưng vẫn chưa đăng ký thuế qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế.
Agoda, AirBnB, Booking và PayPal không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, nhưng phát sinh thu nhập từ cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng Việt. Do đó, các nhà cung cấp này được xem là một nhà thầu nước ngoài và phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ tính trên doanh thu.
Theo Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), các nhà cung cấp này hoạt động tại Việt Nam từ nhiều năm nay. Trong đó, Agoda và Booking là các đại lý du lịch trực tuyến, cung cấp dịch vụ đặt phòng khách sạn, vé máy bay, tour du lịch và các sản phẩm liên quan khác. PayPal cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến và xử lý giao dịch thương mại điện tử. AirBnB là dịch vụ kết nối người cần thuê nhà với những người có nhu cầu cho thuê nhà.
Tổng cục Thuế cho biết, đến nay đã có 123 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế, với tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài trong năm 2024 đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2023, vượt 74% so với dự toán. Lũy kế từ tháng 3/2022 (thời điểm Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vận hành) các doanh nghiệp ngoại đã nộp 20.261 tỷ đồng. Trong đó, nhóm Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple... giữ khoảng 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.
Ông Mai Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, một trong những nhiệm vụ chính trong năm 2025 của Tổng cục Thuế là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý thu, nhất là thu từ hoạt động thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài.
Đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số có tính chất xuyên biên giới, nhà cung cấp nước ngoài nếu có phát sinh doanh thu tại Việt Nam, nhưng chưa thực hiện việc đăng ký thuế, cơ quan thuế sẽ thực hiện rà soát và có các biện pháp xử lý phù hợp để đảm bảo quản lý thuế hiệu quả, minh bạch và công bằng đối với các hoạt động kinh doanh truyền thống.
Trường hợp nhà cung cấp nước ngoài khai chưa đúng doanh thu, cơ quan thuế sẽ thực hiện đối chiếu dữ liệu để xác định doanh thu, đề nghị nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định nếu có dấu hiệu gian lận, trốn thuế.
Hiện nay, Tổng cục Thuế đang tiếp tục đánh giá tình hình thực tiễn quản lý thu đối với các nhà cung cấp nước ngoài và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện các dự thảo Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi bổ sung một số luật, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 123/NĐ-CP về hóa đơn để quản lý thuế đối với hoạt động này, đảm bảo quản lý thuế hiệu quả, thu đúng, thu đủ đối với các nhà cung cấp nước ngoài khi thực hiện kinh doanh tại Việt Nam.
Đến cuộc “ra quân” của các bộ, ngành
Thực tế, không chỉ Bộ Tài chính, mà các bộ, ngành khác cũng đang đưa các nền tảng xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam vào quản lý.
Điển hình như Bộ Công thương, sau khi “tuýt còi” với nền tảng thương mại Temu và yêu cầu hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép hoạt động, đã tiến hành rà soát thủ tục pháp lý đối với các nền tảng thương mại xuyên biên giới khác.
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động không phép, Cục đã ban hành văn bản yêu cầu đơn vị liên quan thuộc Bộ đẩy mạnh quản lý, trong đó nêu một số giải pháp cần thực hiện ngay; phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng chưa được cấp đăng ký.
Hiện việc kiểm soát thương mại điện tử xuyên biên giới còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù Nghị định số 85/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định về các điều kiện áp dụng cho chủ thể cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam, nhưng các quy định chưa đủ mạnh và lan tỏa, dẫn đến việc nhiều nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam khi chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý chính thức. Trong năm 2025, Bộ Công thương sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thương mại điện tử nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, thống nhất hệ thống pháp luật về thương mại điện tử trong mối tương quan với các luật khác, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Tương tự, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tiếp tục đấu tranh, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải ngăn chặn, gỡ bỏ những thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam.
Kết quả, mạng xã hội Facebook đã chặn, gỡ 8.981 nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam (tỷ lệ 94%); Google đã chặn, gỡ 6.043 nội dung vi phạm trên YouTube (tỷ lệ 91%); TikTok chặn, gỡ 971 nội dung vi phạm (tỷ lệ 93%).
Năm 2025, Bộ TT&TT sẽ đàm phán với các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook, TikTok và các mạng lưới quảng cáo về việc tuân thủ quy định pháp luật về cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng, dịch vụ quảng cáo, thuế, điều tiết quảng cáo vào báo chí và tài khoản, kênh nội dung đã thông báo với cơ quan chức năng. Đặc biệt, Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng là công cụ pháp lý quan trọng để đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, nhằm yêu cầu tuân thủ nghiêm luật pháp Việt Nam, xử lý tình trạng tin giả, lừa đảo trên mạng xã hội.
“Chúng ta hoàn toàn có thể yêu cầu các nền tảng số, các mạng xã hội, nền tảng quảng cáo xuyên biên giới thực thi pháp luật Việt Nam. Nếu họ không tuân thủ, chúng ta cũng có đủ khả năng ngăn chặn, khiến các nền tảng này ngừng hoạt động”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.