Ngọn lửa vừa nhen đã lụi
Trở lại nơi ở sau một ngày làm việc mệt mỏi, nhìn căn phòng trọ ẩm thấp, ngột ngạt chưa đến 10 m2 là nơi trú ngụ của cả gia đình 4 người vài năm qua, Nam - công nhân một nhà in tại Cầu Diễn với khuôn mặt khắc khổ, càng thêm quyết tâm mua nhà ở Hà Nội.
Thế nhưng, với những công nhân ngoại tỉnh lên Hà Nội lập nghiệp với đồng lương ít ỏi như vợ chồng Nam, câu chuyện “tìm tổ ấm” chưa bao giờ dễ dàng. Kể với người viết, Nam cho hay, từ vài tháng nay, bên cạnh hỏi bạn bè, đồng nghiệp, vợ chồng cậu cũng chủ động lên mạng tìm kiếm nhà phù hợp với nguồn tài chính hiện tại, từ chung cư, tới nhà tập thể, chung cư mini… thì mới thấy khó khăn như thế nào. Chung cư giá rẻ ở xa trung tâm mà vẫn đắt, lại không vay được ngân hàng, nhà tập thể thì hầu hết đã xuống cấp, còn chung cư mini thì sổ đỏ chung chủ.
Sau nhiều tháng lặn lội tìm kiếm và nhiều lần “cò” dắt mối, vợ chồng Nam cũng tìm được một căn nhà chia lô tại xã Vân Canh theo loại hình “cò” tự mua đất, phân lô rồi xây nhà kiểu mẫu, chí ít phù hợp với vài tiêu chí 2 vợ chồng đặt ra. Theo lời quảng cáo, căn nhà sâu tuy nằm sâu trong ngõ nhỏ, đường vào chỉ vừa đủ 1 xe máy, nhưng là nhà mới, gần chợ, trường học... và quan trọng hơn cả là được vay vốn trả góp như mua nhà chung cư.
Tuy nhiên, khi cùng phóng viên đi xem nhà và bàn bạc, cân nhắc về tài chính, Nam thấy, nếu chấp nhận khoản vay 1,5 tỷ đồng (tương đương khoảng 70% giá trị căn nhà) thì tính cả gốc lẫn lãi phải trả hàng tháng lên tới gần 20 triệu đồng, cho dù được cam kết hỗ trợ ưu đãi lãi suất trong 24 tháng đầu ở mức 10,5%/tháng, cộng thêm khoản chi phí sinh hoạt tối thiểu tại Hà Nội khoảng chục triệu đồng mỗi tháng, con số vượt quá mức thu nhập của gia đình anh.
“Với hình thức thanh toán như vậy, nhiều người khuyên vợ chồng em phải tính toán kỹ lưỡng bởi hết thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ tăng rất cao. Bởi vậy, dù có cái nhà trong quê sẵn sàng bán đi để bù vào, nhưng tụi em vẫn phải tính lại”, Nam nói.
“Giấc mơ an cư” của lao động phổ thông ở thành phố lớn chưa bao giờ là một đề tài “nguội” với cánh nhà báo theo dõi thị trường bất động sản như chúng tôi và chỉ sau vài ngày cùng họ đi tìm nhà ở mới thấy, thị trường càng suy trầm, việc tìm được một chỗ ở phù hợp với khả năng tài chính càng khó khăn.
Cũng chỉ vài tuần trước đó, khi nhận được cuộc điện thoại của cậu em họ đang làm lái xe vận tải tại một xưởng sản xuất bánh kẹo bên Thanh Trì nhờ tìm một căn nhà nhỏ tầm giá khoảng 1 tỷ đồng bởi vừa có 400 triệu đồng bán đất ở quê, cộng thêm vay mượn mới được chừng đó, tôi không biết trả lời thế nào và đành từ chối khéo “để hỏi xem thế nào rồi mới báo” vì thực tế là không có căn nhà nào hiện rao bán ở tầm giá đó cả. Tuy nhiên, sau vài cuộc nài nỉ, tôi cũng hỏi han vài chỗ quen biết và đưa cậu em họ lên đường.
Dạo đủ các tuyến đường quanh khu xưởng, vậy mà phải cách chỗ làm của cậu em tới gần 25 km mới tìm được một căn nhà cấp 4 diện tích 56 m2 vừa tầm giá, nhưng được cái là gần chợ, trường học cách nhà không quá xa khoảng 6-7 km trên đường đi làm của 2 vợ chồng nên cậu em cũng ưng.
Ấy vậy mà “đời không như mơ”, sau khi tìm hiểu mới biết sổ đỏ căn nhà vẫn là đất vườn chưa chuyển đổi, nên chủ cũ mới chỉ được xây nhà cấp 4. Muốn chuyển sang đất ở lâu dài, phí chuyển đổi mất thêm hơn 100 triệu đồng, chưa kể còn phải sửa sang lại tốn thêm vài chục triệu đồng nữa mới ở được.
Dù biết vẫn phải chấp nhận ở tạm nhà trọ lợp mái fibro xi măng, ban đêm chuột chạy trên đầu..., thế nhưng cậu cũng đành ngậm ngùi: “Thôi để tính thêm anh ạ, chứ mua như thế này không ổn”.
Sáng vẫn sáng, tối vẫn tối
Ghi nhận tại chỉ số giá bất động sản của 347 thành phố trên toàn cầu tính tới tháng 1/2023 trên trang Numbeo.com (website chuyên thống kê chỉ số mức sống tại các thành phố và quốc gia trên thế giới), 2 thành phố lớn nhất tại Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM đều có tỷ lệ giá nhà/thu nhập bình quân đầu người ở mức cao, lần lượt đứng thứ 12 và 44 thế giới với tỷ lệ tương ứng là 18,6 lần và 34,3 lần.
Nhà ở công nhân không chỉ là vấn đề an sinh xã hội, mà còn liên quan đến năng suất lao động. Vì thế, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp muốn tạo ra giá trị sản xuất, kinh doanh cao phải đảm bảo tái tạo sức lao động cho công nhân, trong đó vấn đề nhà ở (an cư) là quan trọng nhất.
Điều tra của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện vào năm 2020 cho thấy, có 67,3% công nhân đang phải thuê nhà trọ để ở. Nhiều khu trọ do người dân xây dựng để cho thuê đã có chất lượng tốt hơn, nhưng đi kèm với đó giá thuê cũng tăng theo, vượt quá mức thu nhập, nên nhiều người không thể thuê được nơi ở chất lượng.
Chính vì thế, họ đang phải sống trong những phòng trọ chật chội, bí bách, môi trường sống không đảm bảo khi vấn đề nước thải, rác chưa được xử lý phù hợp, an ninh trật tự phức tạp, công tác phòng cháy chữa cháy cũng không đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó là vấn đề nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh, tiền điện đắt đỏ do phải trả tiền điện theo giá của chủ nhà (cao hơn giá Nhà nước khoảng 25%).
Thực tế, những năm qua, nhiều chính sách khuyến khích phát triển nhà ở và các thiết chế văn hóa, an sinh cho công nhân, người lao động thu nhập thấp được ban hành, song đời sống công nhân vẫn chưa thực sự được cải thiện. Tại nhiều cuộc hội thảo gần đây người viết được tham gia, không chỉ Hà Nội, nhiều liên đoàn lao động các địa phương như Bắc Ninh, Thái Nguyên… đều gặp vướng mắc khi giải quyết bài toán “an cư, lập nghiệp” cho công nhân.
Đại diện Liên đoàn Lao động Bắc Ninh cho biết, tỉnh hiện có 12/16 khu công nghiệp đi vào hoạt động với hơn 330.000 công nhân. Trong đó, hơn 75% là lao động ngoại tỉnh và hơn 100.000 công nhân có nhu cầu nhà ở. Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, 2/3 số con nhỏ của công nhân, tương đương khoảng 50.000 trẻ nằm trong độ tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo và tiểu học phải gửi về quê nhờ ông bà, người thân chăm sóc; 2/3 tổng thu nhập hàng tháng của công nhân được gửi về quê hỗ trợ gia đình, người thân và nuôi con nhỏ…
Để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, Bắc Ninh đã quy hoạch 22 dự án nhà ở công nhân, nhưng hiện mới có 7 dự án đi vào hoạt động, số căn đã bán và cho thuê tại những dự án này cũng chỉ đạt từ 10-50%. Vẫn còn khoảng 100.000 công nhân đang phải thuê trọ trong các khu dân cư, trong đó nhiều khu chất lượng sống và an ninh chưa được đảm bảo.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, nhà ở công nhân đang là vấn đề nan giải khi thiếu cả về khung pháp lý lẫn chính sách ưu đãi. Nguồn cầu đối với phân khúc nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp nói chung, công nhân và người lao động phổ thông nói riêng rất lớn, trong khi nguồn cung lại vô cùng hạn chế khiến thị trường bất động sản phát triển thiếu bền vững.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM thông tin, lượng người thu nhập thấp và trung bình tại đô thị hiện chiếm khoảng 25% số người trưởng thành thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân nhưng không được hưởng chính sách ưu đãi nhà ở xã hội, cũng không đủ khả năng tài chính hoặc không có tài sản thế chấp để vay tín dụng mua nhà ở thương mại.
Theo ông Châu, nhu cầu nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội hiện rất lớn, thế nhưng thị trường bất động sản đang trong tình trạng vừa mất cân bằng cung - cầu, vừa lệch pha sản phẩm khi phân khúc nhà ở cao cấp chiếm phần lớn. Trong 2 năm gần đây, loại nhà ở giá bình dân chỉ chiếm 1% trong năm 2020 và biến mất trong năm 2021 (0%). Ngược lại, nhà ở cao cấp chiếm đến 74% trong giai đoạn này.
“Giá nhà hiện nay ở nước ta chưa phù hợp với thu nhập trung bình của người dân, cấu thành giá nhà còn nhiều điểm bất hợp lý, trong đó có chi phí về tiền sử dụng đất, lãi suất cao... Nếu tới đây lãi suất cho vay giảm xuống, thủ tục hành chính được rút gọn, thị trường không xảy ra những cơn sốt giá như tăng giá điện, giá xăng…, thì mới mong giá nhà ở có thể giảm”, ông Châu nhấn mạnh.