Tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 6,76% nếu đột phá trong cải cách thể chế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn kiên định với các yêu cầu bứt phá và ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách sâu rộng kinh tế vi mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế. Tuy nhiên, cần cải cách thể chế để tạo ra động lực phát triển kinh tế tốt hơn.

Sáng ngày 22/4, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo Công bố báo cáo "Thúc đẩy kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch Covid-19: Đề xuất cho Việt Nam".

Hội thảo hướng tới tập trung thảo luận các ưu tiên chính sách để thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế và cải tạo thể chế sau đại dịch Covid-19, đồng thời đưa ra các kịch bản tăng trưởng trong giai đoạn 2021 - 2030.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết: “Kể từ đầu năm 2020, Việt Nam đối mặt với hai làn sóng bùng phát của đại dịch Covid-19. Với phản ứng quyết liệt và từ khá sớm, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia được đánh giá là tương đối thành công trong kiểm soát dịch. Theo đó, Việt Nam có tốc độ tăng GDP đạt 2,91% trong năm 2020 và phục hồi ở mức 4,48% trong quý I/2021”.

Theo bà Minh, các tổ chức quốc tế đều duy trì đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam. Dù còn thấp hơn so với trước đại dịch, kết quả tăng trưởng trong năm qua của Việt Nam vẫn cao hơn so với kết quả báo cáo của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, kể cả khu vực Đông Á.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến khó lường, nhiều chuyên gia đánh giá về diễn biến, hệ lụy đối với nền kinh tế quốc dân và các yêu cầu cải cách trong thời gian tới.

"Nếu nền kinh tế chậm phục hồi, cải cách thể chế kinh tế cũng sẽ thiếu sự đồng thuận, động lực cần thiết và không tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang bước sang giai đoạn chiến lược 2021 - 2030 với những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mới. Dù phải cân nhắc những kịch bản diễn biến dịch bệnh, Việt Nam cũng cần xây dựng một kế hoạch dài hơi nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế sau khi Covid-19 kết thúc", bà Minh nói.

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Diệp Anh)

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Diệp Anh)

Chính việc bảo đảm các chính sách phục hồi kinh tế và cải cách thể chế song hành, hài hòa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, dù cũng là một yêu cầu rất thách thức. Do vậy, tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM đã đưa ra triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2023 dựa trên ba kịch bản: kịch bản bình thường; kịch bản nới lỏng tài khóa và tiền tệ; kịch bản nới lỏng tài khóa và tiền tệ cùng với cải cách thể chế.

Theo ông Dương, nếu chỉ nới lỏng tài khóa và tiền tệ, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, song đi kèm là áp lực lạm phát lớn. Nếu nới lỏng tài khóa và tiền tệ song hành với cải cách thể chế, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn và đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất.

TS. Trần Thị Hồng Minh cũng khẳng định rằng, nếu đạt được những đột phá trong chất lượng cải cách thể chế dẫn tới cải thiện chất lượng tăng trưởng song hành với các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ đúng trọng tâm, đúng thời điểm, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình có thể đạt tới 6,76%/năm, đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất.

“Khi ấy, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định”, bà Minh nhấn mạnh.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã đề xuất lộ trình chính sách cho giai đoạn 2021 - 2023. Cụ thể, Chính phủ cần phải xác định tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, kết hợp với cải cách thể chế kinh tế trong năm 2021.

Đồng thời, Việt Nam cần đề cao sự kết hợp giữa phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế trong năm 2022. Đặc biệt là rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, tập trung vào cải cách thể chế kinh tế trong năm 2023.

Tin bài liên quan