Toan tính chính trị của Tổng thống Trump khi cắt ngân sách cho WHO

Tổng thống Donald Trump được cho là có những tính toán chính trị nhất định, liên quan tới cuộc đua vào Nhà Trắng cuối năm nay, khi tuyên bố dừng cấp ngân sách cho WHO.
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Getty).

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Getty).

"Tổng thống thời chiến"

Tổng thống Donald Trump đang gặp rắc rối về chính trị. Nền tảng bầu cử được ông cẩn trọng xây dựng trong 3 năm qua, với mục tiêu đưa ông tới nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng vào tháng 11, đã đổ vỡ khi cuộc khủng hoảng Covid-19 kéo tới.

Trước đó không lâu, ông Trump vẫn tự hào là tổng thống mang lại những chỉ số việc làm tốt nhất trong lịch sử Mỹ, những con số cao kỷ lục trên thị trường chứng khoán và một nền kinh tế phát triển nhanh chóng. Đó là những "át chủ bài" trong chiến dịch tái cử của ông.

Nhưng bây giờ, 15 triệu người Mỹ bị mất việc, tăng trưởng thị trường từ năm 2017 bị xóa sổ và nền kinh tế Mỹ có nguy cơ sụt giảm 6% trong năm nay.

Từ tháng này qua tháng khác, Tổng thống Trump không ngừng khoe về những thành tựu mà ông đã đạt được, từ việc bổ nhiệm 2 thẩm phán tòa án tối cao, giảm thuế đáng kể, khởi động xây tường biên giới, rút lại nhiều quy định đã ban hành trước đó, với phương châm “thực hiện những gì đã hữa”.

Bây giờ, những thành tựu trên đã trở nên “lép vế” trước sự tàn phá của cuộc khủng hoảng Covid-19 mà ông chủ Nhà Trắng gọi là “kẻ thù vô hình”, là “quái vật” biến ông thành một “tổng thống thời chiến”.

Nước Mỹ đang phải đối mặt với những con số "giật mình". Hơn 34.000 người chết, hơn 678.000 người mắc Covid-19. Thương vong nhiều hơn cả vụ khủng bố 11/9, nhiều hơn tất cả cuộc chiến Afghanistan, Iraq và vùng Vịnh cộng lại.

Không cử tri Mỹ nào ngây thơ nghĩ rằng, vấn đề này do ông Trump tạo ra. Hơn 180 quốc gia đã ghi nhận các ca nhiễm bệnh.

Từng nhà lãnh đạo trên thế giới đều đang mắc kẹt trong cuộc chiến chưa từng xảy ra trong thời hiện đại: khi phải chống lại cuộc khủng hoảng kép gồm đại dịch và nền tài chính đóng băng.

Tuy nhiên, điều khiến mọi người chú ý là cách ông Trump xử lý cuộc khủng hoảng này. Liệu ông có phản ứng đủ nhanh để ứng phó với đại dịch khởi phát từ Vũ Hán hay không? Tại sao xảy ra tình trạng thiếu xét nghiệm và thiết bị bảo hộ? Tại sao ngay từ đầu ông coi nhẹ những lo ngại về dịch bệnh?

Những vấn đề trên sẽ định hình cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Mỹ. Chưa đầy 7 tháng tới, các cử tri Mỹ sẽ phải đưa ra quyết định về việc có lựa chọn ứng viên Donald Trump hay không.

Tính toán chính trị

Toan tính chính trị của Tổng thống Trump khi cắt ngân sách cho WHO ảnh 1

Nhân viên y tế chuyển các thi thể tại trung tâm y tế Kingsbrook Jewish ở Brooklyn, New York ngày 8/4. (Ảnh: Reuters).

Hãng tin Telegraph đã “giải mã” tính toán chính trị của Tổng thống Trump khi tuyên bố dừng cấp ngân sách cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 15/4. Điều này được thể hiện qua cách ông Trump liên tục phản bác những chỉ trích nhằm vào mình và không thừa nhận bất kỳ sai lầm nào trong việc giải quyết vấn đề liên quan tới dịch bệnh.

Đối với vấn đề thiếu xét nghiệm, ông Trump đổ lỗi cho chính quyền Barack Obama, cho rằng các thủ tục do người tiền nhiệm để lại không đầy đủ, mặc dù ông đã có 3 năm để khắc phục điều này.

Đối với vấn đề thiếu máy thở, ông Trump đổ lỗi cho thống đốc các bang, nói rằng họ phải có trách nhiệm mua những thiết bị này.

Hồi tháng 2, ông Trump nhiều lần so sánh dịch Covid-19 với cúm mùa, đổ lỗi cho truyền thông và các đối thủ biến nỗi sợ hãi này thành một “trò lừa bịp”. Nhưng đến bây giờ, tổng thống lại nói rằng ông luôn nhận thức được tình hình sẽ tồi tệ như thế nào.

Tổng thống Trump được cho là đã phát động một cuộc tấn công nhằm vào giới truyền thông.

Những đoạn clip được chuẩn bị vội vã trước khi phát trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 13/4 khẳng định, chính truyền thông, chứ không phải tổng thống, đã đánh giá thấp nguy cơ của virus corona. Tuy nhiên, động thái này cũng không giúp tổng thống giải quyết được vấn đề.

Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ kiểm soát đã thành lập một ủy ban phụ trách về virus corona để xem xét kỹ lưỡng cách chính phủ của ông Trump ứng phó với đại dịch.

Trong cuộc đua vào Nhà Trắng, cựu Phó Tổng thống Joe Biden bây giờ là gương mặt cuối cùng còn trụ lại dù mới 2 tháng trước đây, ông còn mắc kẹt trong cuộc chiến khốc liệt với các ứng viên Dân chủ khác.

Ông Biden, người được cả cựu Tổng thống Obama và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders ủng hộ trở thành ứng viên đại diện cho đảng Dân chủ chạy đua với ông Trump, bây giờ đang dồn toàn bộ sự tập trung vào đương kim tổng thống.

Ông Obama ngày 14/4 công bố đoạn video dài 12 phút và đưa ra nhận định về kịch bản hậu Covid-19, trong đó cựu tổng thống Mỹ đề cập tới ông Biden như một nhân vật dẫn dắt nước Mỹ vượt qua dịch cúm H1N1 và Ebola, đồng thời giám sát giai đoạn hồi phục của nước Mỹ sau cuộc khủng hoảng 2008-2009.    

Theo thống kê của Worldometers, Mỹ hiện ghi nhận 37.175 ca tử vong vì Covid-19, trong khi số ca nhiễm cũng lên tới 710.272 người. Mỹ cho đến nay vẫn là nước đứng đầu thế giới về cả số ca tử vong và ca mắc Covid-19.

Ngoài sự sụt giảm về tỷ lệ ủng hộ, ông Trump nhận thấy hiện tượng “tập hợp dưới cờ”, một thuật ngữ được sử dụng để giải thích về hiện tượng gia tăng sự ủng hộ dành cho tổng thống Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng hoặc chiến tranh, không còn nữa. Các con số ủng hộ Tổng thống Trump cũng bắt đầu đi xuống.

Telegraph nhận định, các điều kiện trên buộc Tổng thống Trump phải tìm mục tiêu đổ lỗi và đây cũng là điều ông thường làm trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Khi xuất hiện các vụ bê bối, ông chủ Nhà Trắng thường tìm các cách xử lý khác nhau trong các cuộc họp báo hoặc vận động cử tri.

Tổng thống Trump ban đầu nhắm mục tiêu chỉ trích tới Trung Quốc. Ông gọi virus corona là “virus Trung Quốc” và nói rằng, lẽ ra Trung Quốc nên cảnh báo thế giới sớm hơn. Những chỉ trích này có thể sẽ được đẩy mạnh khi cuộc bầu cử sắp tới gần.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ hiện tại đã giảm bớt giọng điệu công kích Trung Quốc. Sau cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Trump đã không còn nhắc đến “virus Trung Quốc” và bày tỏ sự thông cảm với khó khăn của Trung Quốc.

Tổng thống Trump có thể đang tính đến các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, điều mà ông từng tuyên bố muốn thúc đẩy càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, ông Trump không dành sự quan tâm tương tự cho WHO. Việc biến WHO thành “tâm điểm” của đại dịch Covid-19 gần như trùng khớp với lập trường “Nước Mỹ là số một” của Trump.

WHO là một tổ chức quốc tế, tương tự NATO, nơi Mỹ đã rót nhiều tiền hơn các quốc gia khác. Ông Trump từng nói Mỹ tài trợ khoảng 400 triệu USD/năm cho WHO, trong khi Trung Quốc chỉ góp 40 triệu USD.

Tương tự Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay Liên minh châu Âu (EU), WHO là một thể chế đa phương mà ông Trump luôn tin rằng có những quy tắc gây bất lợi cho Mỹ. Cụm từ mà ông Trump hay dùng gần đây đối với WHO là “thiên vị Trung Quốc”.

Nếu đổ lỗi cho WHO vì gây ra tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng khiến hàng nghìn người tại Mỹ thiệt mạng, có lẽ trách nhiệm không còn thuộc về Tổng thống Trump.

Tình hình chính trị trong nước được cho là lý do khiến Tổng thống Trump nhắm mục tiêu tấn công tới WHO. Đây có thể là bối cảnh dẫn tới quyết định dừng cấp ngân sách cho WHO của nhà lãnh đạo Mỹ.

Tổng thống Trump cho đến nay vẫn đánh giá cách xử lý khủng khoảng Covid-19 của ông ở mức 10/10. Tuy nhiên phải chờ tới ngày 3/11 thì mới biết liệu cử tri Mỹ có đồng tình với cách đánh giá trên hay không.

Tin bài liên quan