Toàn cầu hóa là xu hướng không thể đảo ngược

0:00 / 0:00
0:00
Thế giới đang chứng kiến sự bảo hộ lên ngôi, thay thế cho tự do hóa thương mại.
TS. Nguyễn Xuân Trình, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

TS. Nguyễn Xuân Trình, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Xuân Trình, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược), toàn cầu hóa là xu hướng không thể đảo ngược. Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới là quyết sách đột phá để Việt Nam thích ứng trong tình hình mới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cụ thể hóa tuyên bố “Make America great again” bằng thuế đối ứng. Phải chăng xu hướng toàn cầu hóa đang thoái trào, thưa ông?

Lịch sử thương mại thế giới đã ghi nhận nhiều cuộc chiến tranh thương mại, bắt đầu từ năm 1930 và đều do Mỹ khởi xướng, đánh vào hàng nhập khẩu của EU, Nhật Bản, Canada, Trung Quốc... Chiến tranh thương mại là cuộc đối đầu kinh tế bằng cách áp đặt hàng rào thuế quan, phi thuế quan, nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước, hoặc để gây sức ép về chính trị và ngoại giao.

Kết quả của bảo hộ là không bên nào dành được thắng lợi, mà đều bị thiệt hại, kinh tế thế giới cũng bị ảnh hưởng tiêu cực và các cuộc thương chiến cuối cùng đều dừng lại thông qua đàm phán, thay vì đối đầu và xu hướng tự do hóa thương mại vẫn tiếp tục, không thể đảo ngược.

Cuộc chiến thương mại lớn nhất (chưa tính lần này) là cuộc thương chiến Mỹ - Trung trong giai đoạn 2018-2020 cũng dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trong suốt 4 năm cầm quyền lần thứ nhất, Tổng thống Donald Trump liên tục áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với mức thuế 25% lên hơn 800 mặt hàng. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và trực tiếp cạnh tranh “ngôi vương” với Mỹ cũng không chịu thúc thủ, mà đã đáp trả tương xứng.

Trong thời gian này, ngoài Trung Quốc, chính quyền Mỹ cũng áp thuế lên một số mặt hàng trọng yếu của EU, Mexico, Canada..., nhưng cuối cùng, cuộc thương chiến cũng đình chiến thông qua đàm phán, Mỹ không đạt được mục tiêu là giảm nhập siêu, trong khi lạm phát đe dọa kinh tế thế giới.

Nhưng lần này khác, thưa ông. Với “thuế đối ứng”, Mỹ khởi xướng cuộc thương chiến lớn nhất lịch sử với phần còn lại của thế giới?

Ngày 2/4 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu với hơn 180 nền kinh tế và chính thức thực hiện sau đó một tuần, không có ngoại lệ. Nhưng đến “giờ G”, chính quyền Mỹ đã gia hạn thời gian thực hiện thêm 90 ngày, ngoại trừ Trung Quốc, cho thấy xu hướng bảo hộ mậu dịch, có thể nói là bảo hộ khá cực đoan, chưa thể lên ngôi.

Các nền kinh tế đang tích cực đàm phán với Mỹ, trong đó có Việt Nam. Sau 90 ngày (kể từ ngày 9/4/2025), cũng có thể Mỹ áp thuế ở mức nào đó với nhiều nước, toàn cầu hóa bị chững lại, nhường chỗ cho xu hướng bảo hộ mậu dịch. Dù có vậy đi chăng nữa thì những chính sách được cho là chống lại toàn cầu hóa chỉ mang tính chất ngắn hạn, vì chính quyền của Tổng thống Donald Trump chỉ có thời gian 4 năm là hết nhiệm kỳ, khi chính quyền khác thay thế, thì chính sách của người tiền nhiệm chắc chắn bị thay đổi.

Tóm lại, sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy chỉ là nhất thời, ngắn hạn, có tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới ở mức độ nào đó trong thời gian nhất định và toàn cầu hóa vẫn là tất yếu khách quan.

Trên thực tế, dù không sử dụng chính sách thuế quan, nhưng nhiều nước đã dựng lên hàng rào phi thuế quan để bảo hộ sản xuất trong nước?

Để sản xuất chiếc điện thoại iPhone, Apple phải sử dụng 43 cứ điểm sản xuất khác nhau trên toàn cầu. Khoảng 80% số lượng điện thoại iPhone hiện được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng Trung Quốc cũng phải nhập khẩu rất nhiều linh kiện, phụ kiện, thiết bị, nguyên vật liệu từ các nước khác, trong đó có Mỹ.

Tương tự, khoảng một nửa chiếc điện thoại Samsung trên thế giới được sản xuất tại Việt Nam, nhưng Việt Nam phải nhập khẩu rất nhiều linh kiện, phụ kiện, thiết bị, nguyên vật liệu từ các nước khác. Nếu không có sự toàn cầu hóa trong sản xuất, thì hầu như không thể sản xuất hàng hóa với giá thành rẻ, từ sản phẩm nông nghiệp đến thiết bị công nghệ cao, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin...

Việt Nam là một trong những cường quốc xuất khẩu nông sản, nhưng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu một phần; dây chuyền, thiết bị máy móc chế biến nông sản cũng phải nhập khẩu. Tất cả các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo như dệt may, da giày, thiết bị gia dụng... cũng tương tự.

Ngày nay, mỗi nền kinh tế chỉ làm một số khâu trong quá trình sản xuất hàng hóa, nếu một quốc gia nào đó tự sản xuất hàng hóa thì không thể cạnh tranh do giá thành rất cao. Vì vậy, toàn cầu hóa là xu hướng tất yếu. Tất nhiên, trong quá trình toàn cầu hóa, cũng có thời điểm bị thử thách bởi chính sách thuế quan và phi thuế quan do quốc gia nào đó dựng lên. Lịch sử thương mại thế giới đã chứng minh, nền kinh tế nào chống lại toàn cầu hóa, sẽ bị thiệt hại trước tiên và mọi cuộc thương chiến đều tìm được hồi kết trên bàn đàm phán.

Theo ông, Việt Nam nên ứng phó thế nào trước xu hướng “ngăn sông cấm chợ” đang nổi lên?

Về vấn đề này, Tổng Bí thư Tô Lâm mới có bài viết với tựa đề “Vươn mình hội nhập quốc tế” khẳng định đường lối đối ngoại trong thời kỳ đổi mới là Việt Nam muốn hòa bình và phát triển thì phải mở cửa với bên ngoài, hợp tác với các quốc gia khác. Hội nhập quốc tế là “đặt đất nước vào dòng chảy chính của thời đại, đập cùng nhịp đập, thở cùng hơi thở của thời đại”, gia tăng sức mạnh của mình thông qua việc gắn kết với thế giới.

Đảng đã đề ra chủ trương hội nhập quốc tế, trước là hội nhập kinh tế, sau là hội nhập toàn diện để khơi thông, mở rộng quan hệ với các quốc gia và tổ chức quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa Việt Nam hội nhập vào chính trị thế giới, kinh tế quốc tế và văn minh nhân loại.

Nhờ chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, đã trở thành một trong 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới, quy mô kinh tế tăng gần 100 lần so với năm 1986 (trước khi mở cửa). Việt Nam đã tham gia, ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) cả song phương lẫn đa phương, gắn kết kinh tế Việt Nam với tất cả các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới và ngày càng tham gia sâu hơn chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Nhờ chủ động gia nhập với thế giới, chúng ta đã vào nhóm quốc gia có quy mô thương mại, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất thế giới và cũng nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người ở mức chưa đến 100 USD khi mới mở cửa đã tăng lên 4.700 USD hiện nay.

Bài viết của người đứng đầu Đảng đã định hướng hội nhập quốc tế của nước ta. Theo đó, dù xu hướng bảo hộ mậu dịch có diễn ra ở đâu đó trên thế giới, thì Việt Nam vẫn kiên định đường lối của mình, thưa ông?

Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương xuyên suốt của Đảng. Theo đó, Việt Nam không ngừng cải thiện môi trường thu hút đầu tư nước ngoài, gắn thu hút đầu tư với giám sát quá trình thực thi, bảo đảm an ninh kinh tế, hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; quản lý chặt chẽ nợ công, bao gồm cả vay nợ nước ngoài.

Ngày 24/1/1015, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế phục vụ xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thúc đẩy chuyển đổi số. Việt Nam không chỉ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao, nhất là của các tập đoàn lớn toàn cầu, mà còn khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh có hiệu quả ở nước ngoài.

Có thể nói, đây là “quyết sách đột phá”, đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử trong quá trình hội nhập của đất nước với việc định vị hội nhập quốc tế là động lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, hội nhập kinh tế là trung tâm, hội nhập trên các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế với ưu tiên hàng đầu là cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thúc đẩy chuyển đổi số. Cần tận dụng hiệu quả các cam kết, thỏa thuận, liên kết kinh tế quốc tế, nhất là các FTA thế hệ mới, để tăng cường đan xen lợi ích, không để phụ thuộc vào một số ít đối tác.

Tin bài liên quan