Kopi Luwak là loại cà phê có nguồn gốc Indonesia được sản xuất từ những hạt cà phê được cầy hương "tiêu hóa một nửa". Chính điều này giúp Kopi Luwak có hương vị hoàn hảo và trở thành loại cà phê đắt nhất thế giới. Tuy nhiên, chính điều đó cũng dẫn tới việc nhãn hiệu này bị cáo buộc nuôi nhốt cầy hương và ép ăn để lấy hạt cà phê.
Ảnh: Toronto Star.
Do đó, doanh nhân người Canada Blake Dinkin đã sử dụng voi để sản xuất loại cà phê này tại Thái Lan. Dưới đây là toàn cảnh thu hoạch được hãng tin Bloomberg ghi lại.
Một quản tượng tắm cho voi tại trại voi Ban Ta Klang, Thái Lan. Các chú voi và chủ của chúng đã sống cùng nhau tại đây hàng trăm năm nay.
Chúng được huấn luyện để vận chuyển gỗ và thậm chí đánh trận. Ngày nay, đa số voi được dùng để chở khách du lịch và tham gia các nghi lễ tôn giáo.
Trong ảnh là Dinkin và một chủ voi chuẩn bị hỗn hợp chuối, cám gạo và quả cà phê cho voi ăn. Dinkin bắt đầu sản xuất cà phê cầy hương tại Ethiopia vào năm 2002 nhưng bắt đầu chuyển sang làm cà phê từ voi sau khi thử nghiệm tại một vườn thú ở Canada.
Tháng 10/2012, anh mở công ty Black Ivory Coffee tại Chiang Rai, trước khi chuyển tới trang trại Ban Ta Klang thuộc tỉnh Surin, Thái Lan.
Ngoài ăn, voi cũng có thể hút hạt cà phê qua vòi nhờ một hỗn hợp trái cây đặc. Dinkin cho biết chế độ ăn của voi rất quan trọng và chúng cũng có thể chọn không ăn quả cà phê.
Giống đa số những chú voi nuôi nhốt ở Thái Lan, voi ở Ban Ta Klang bị xích một số khoảng thời gian trong ngày hoặc dưới sự kiểm soát của quản tượng. Điều này vấp phải chỉ trích của một số tổ chức bảo vệ quyền động vật.
Dinkin cho biết anh làm việc cho Hiệp hội Voi châu Á Tam Giác Vàng để giúp đào tạo cho quản tượng các kỹ năng huấn luyện voi.
Một gia đình đang tách lọc hạt cà phê từ phân voi. Dinkin trả cho họ khoảng 10 USD, khoản thu nhập tương đối cao tại Thái Lan cho công việc 15 phút này.
Tại khu vực này, người lao động được trả 6 USD/ngày để thu hoạch lúa.
Đây là quả cà phê sau khi được lọc ra từ phân voi ở trang trại Ban Ta Klang. Sau khi voi "tiêu hóa một nửa", dịch enzyme trong dạ dày voi làm phân tách protein và tạo ra độ đắng cùng hương vị ngon dịu của hạt cà phê
Hai cô gái đang rửa hạt cà phê trước khi đem phơi khô. Dinkin cho biết quá trình tiêu hóa của voi không làm giảm lượng caffeine trong cafe bởi lớp vỏ bao bên ngoài giúp giữ nguyên lớp dầu chứa caffein bên trong.
Một phụ nữ Thái Lan cào hạt cà phê đang được phơi khô. Công ty Black Ivory Coffee của Dinkin hiện có khoảng 27 con voi và ước tính sản xuất được khoảng 150 kg cà phê trong năm 2017.
Dinkin cho biết anh nhận được đề nghị mở rộng sản xuất ra Đông Nam Á và châu Phi nhưng anh muốn phát triển công ty một cách từ từ.
Một hạt cà phê cắt đôi để kiểm tra đã đạt độ khô tiêu chuẩn chưa. Cà phê có mặt ở khắp nơi trên thế giới và mức tiêu thụ ngày càng tăng. Theo Bloomberg, năm 2016, thế giới đã tiêu thu gần 1,3 nghìn tỷ ly espresso
Dinkin chuẩn bị cho mình một ly cà phê từ hạt cà phê thành phẩm. Anh cho biết, trong tháng 2, Black Ivory Coffee sẽ tung sản phẩm ra thị trường Đan Mạch và Thái Lan, hợp tác cùng hãng sản xuất bia Mikkeller có trụ sở tại Copenhagen.
Sản phẩm cà phê của Black Ivory Coffee đã sẵn sàng tới tay người tiêu dùng. Giá 3 gói 350 gram là 198 USD, tức khoảng 1.886 USD/kg.
Sản phẩm có thể được tiêu thụ bởi 25 khách sạn xa xỉ khắp châu Á. Dinkin cho biết anh kỳ vọng tiếp cận được các khách sạn châu Âu và nhà hàng đạt sao Michelin.