Toàn bộ sông băng trên thế giới đều đang tan chảy với tốc độ kinh hoàng

0:00 / 0:00
0:00
Giới khoa học cảnh báo, mọi sông băng trên thế giới đều đang tan chảy với tốc độ rất nhanh chóng, trở thành một trong những yếu tố chính dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu và có thể gây nên những hậu quả thảm khốc cho con người.
Toàn bộ sông băng trên thế giới đều đang tan chảy với tốc độ kinh hoàng

Đây là kết quả nghiên cứu được các nhà khoa học tại 10 cơ sở khác nhau phối hợp thực hiện và công bố trên tạp chí Nature.

Chuyên gia về sông băng Étienne Berthier thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS), đồng tác giả của nghiên cứu trên, cho biết lần đầu tiên các nhà nghiên cứu có thể đo lường sự thay đổi của từng sông băng trong số hơn 220.000 sông băng trên hành tinh, ngoại trừ các sông băng ở Greenland và Nam Cực.

Theo chuyên gia Étienne Berthier, chủ yếu dựa vào những hình ảnh được truyền về từ vệ tinh Aster - do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) phóng lên quỹ đạo vào cuối năm 1999, các nhà nghiên cứu nhận thấy các sông băng đã "thất thoát" trung bình 267 tỷ tấn băng mỗi năm, tính từ năm 2000 đến năm 2019. Tình trạng băng tan nhanh đặc biệt xảy ra ở dãy núi Alpes, Iceland và Alaska. Tại những khu vực có khí hậu ôn hòa và ẩm ướt hơn, băng có xu hướng tan chảy chậm hơn. Mặc dù vậy, không nơi nào trên Trái Đất tránh được tình trạng sông băng tan chảy, kể cả phía Tây dãy Himalaya, nơi trước đây có lượng băng ổn định hoặc thậm chí đã từng tăng lên.

Tại New Zealand, trong 5 năm qua, các sông băng giảm độ dày 1,5 mét/năm - một con số kỷ lục. Trong khi trước đó 20 năm, những con sông này hầu như không bị hao hụt về thể tích. Điều khiến các nhà nghiên cứu thấy kinh ngạc và lo ngại là mức độ gia tăng của hiện tượng sông băng tan chảy: từ mức trung bình 227 tỷ tấn băng tan mỗi năm trong giai đoạn 2000-2004, con số này đã tăng lên thành 298 tỷ tấn trong giai đoạn 2015-2019. Lượng băng tan chảy đã góp 21% vào sự gia tăng mực nước biển kể từ đầu thế kỷ 21.

Theo một bài viết khác trên tạp chí khoa học Nature, những nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính sẽ có tác dụng tích cực trực tiếp hạn chế sự gia tăng mức độ tan chảy của các sông băng. Các nhà khoa học cho rằng nếu con người kìm hãm được sự tăng nhiệt của Trái Đất ở mức 1,5°C như mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, thì lượng băng tan chảy khiến mực nước biển dâng cao sẽ giảm tới 50%.

Ở một nghiên cứu khác cũng công bố trên tạp chí Nature, giới chuyên gia báo động rằng tại Nam Cực - nơi có lượng băng lớn nhất thế giới, tình trạng băng tan nhanh có thể dẫn đến việc nước biển gia tăng ở mức không thể đảo ngược.

Tuy nhiên, sông băng tan chảy không chỉ ảnh hưởng tới mực nước biển. Nhà nghiên cứu Étienne Berthier cho biết các lưu vực sông băng bao phủ ít nhất 25% diện tích đất đai toàn cầu và là nơi sinh sống của gần 1/3 dân số thế giới. Các sông băng trữ nước ở thể rắn và cấp nước cho các con sông vào mùa Hè. Do đó, khi không còn sông băng trong khu vực, tuyết sẽ tan nhanh hơn nhiều và gây nguy cơ thiếu nước vào mùa Hè tại các khu vực bị ảnh hưởng.

Tin bài liên quan