Sau khi Đại diện Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM đưa ra ý kiến, Hội đồng xét xử (HĐXX) nghị án gần 40 phút và tuyên án như sau:
Thứ nhất, HĐXX có căn cứ xác định Grab kinh doanh taxi nhưng không chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải.
Thứ hai, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại của Vinasun, buộc Grab bồi thường 4,852 tỷ đồng cho Vinasun ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thi hành tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền. Không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại số tiền 36 tỷ đồng còn lại.
Thứ ba, án phí sơ thẩm là Vinasun và Grab cùng phải trả. Riêng khoản trả cho Công ty thẩm định là 2,6 tỷ đồng phía Vinasun chi trả.
Thứ tư, kiến nghị của HĐXX lên Bộ GTVT và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải của Grab theo quy định của pháp luật và sửa đổi nội dung đề án 24 cho phù hợp với thực tế.
Toàn cảnh phiên Tòa
HĐXX kiến nghị Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền về thực hiện các giải pháp về thuế đối với Grab theo quy định của doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan tổ chức xã hội xem xét trách nhiệm của Grab trong việc thực hiện các quyền lợi bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động là tài xế tham gia làm việc cho Grab.
Sau khi đại diện Viện kiểm soát đưa ra ý kiến, hàng trăm tài xế taxi Vinasun đã đứng trước cổng TAND TP.HCM trụ sở Nam Kỳ Khởi Nghĩa và hô to khẩu hiệu về công bằng, thậm chí là hát.
HĐXX nhấn mạnh trong các thiệt hại mà Vinasun yêu cầu, Vinasun phải xem xét lại mối quan hệ nhân quả theo quy định tại Nghị quyết số 03 ngày 8/7/2006 của Hội đồng thẩm quán TAND Tối cao. Để từ đó, Tòa mới xem xét chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu bồi thường 41,2 tỷ đồng của Vinasun.
Viện kiểm sát thay đổi từ chấp nhận toàn bộ sang chấp nhận 1 phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun.
Ngày 23/10, đại diện Viện kiểm sát đã đưa ra ý kiến cho rằng, Grab có hành vi vi phạm pháp luật đồng thời gây ra thiệt hại cho Vinasun nên có cơ sở để chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Vinasun.
Tuy nhiên, ý kiến ngày 28/12 của Viện kiểm sát có thay đổi. Cụ thể, sau thời gian xét hỏi tranh luận sâu về kết quả giám định, một mặt, Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên các ý kiến về hành vi vi phạm của Grab ở Đề án 24, Nghị định 86, Thông tư 63. Nhưng trong quá trình thụ lý, CTCP Thẩm định Giám định Cửu Long không đến tòa dù được triệu tập nên không làm rõ được thiệt hại của Vinasun.
Khi tòa kết thúc tuyên án, các tài xế Vinasun thể hiện sự vui mừng, mặc dù Vinasun không hoàn toàn được bồi thường 41,2 tỷ đồng.
Viện kiểm sát quyết định không chấp nhận toàn bộ kết quả giám định vì Vinasun chưa đủ cơ sở chứng minh Grab là nguyên nhân duy nhất gây thiệt hại cho Vinasun trong thời gian qua.
Theo Viện kiểm sát, CTCP Thẩm định Giám định Cửu Long không đủ cơ sở để xác định thiệt hại ở phần giảm giá cổ phiếu và dù Tòa có gửi đơn triệu tập nhưng Công ty Thẩm định vẫn vắng mặt.
Báo cáo tài chính của Vinasun cho thấy doanh thu về kinh doanh vận tại có giảm nhưng chi phí tăng mạnh mà theo Vinasun, tăng do những hành vi vi phạm của Grab, Viện kiểm sát cho rằng chưa có chứng cứ xác đáng.
Lượng tài xế giảm, nhưng các chi phí tăng ở mảng kinh doanh vận tải như chi phí tăng lương, giảm chiết khấu cho tài xế… không được hạch toán tách bạch riêng trong tổng các chi phí. Chưa kể, phải tách bạch với các loại hình khác là xe nhượng quyền, bất động sản và du lịch để làm cơ sở chứng minh nội dung gây thiệt hại của Grab mà Vinasun muốn thể hiện.
Grab có hành vi trái pháp luật, tuy nhiên Vinasun không chứng minh được Grab là nguyên nhân duy nhất gây thiệt hại cho Vinasun. Do đó, ý kiến của Viện kiểm sát là không đủ cơ sở để chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.
Trong hội nghị tổng kết việc thực hiện Đề án 24, HĐXX đã dẫn chứng các vi phạm của Grab. Cụ thể, Grab cho rằng mình cung cấp sàn giao dịch điện tử cho khách hàng và được Bộ công thương chấp nhận. Nhưng HĐXX cho rằng, Grab không đáp ứng được yêu cầu của một hợp đồng vận tải điện tử. Vì ngoài luật thương mại điện tử, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định phụ thuộc vào loại hình kinh doanh. Doanh nghiệp khi sử dụng ứng dụng cho việc kinh doanh vận tải thì cũng phải tuân thủ cả luật của kinh doanh vận tải.
HĐXX có đủ chứng cứ chứng mình Grab vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam về Luật kinh doanh vận tải và vi phạm Đề án 24.
Trong tổng kết 2 năm thực hiện Đề án 24, Bộ GTVT cho biết, không thông qua việc triển khai mô hình Grab Share nhưng Grab vẫn tiếp tục. Ngoài ra, hành vi khuyến mại của Grab mà không thông báo cho Bộ Công thương cũng vi phạm pháp luật.
HĐXX cho rằng, phán quyết của tòa công lý châu Âu về trường hợp của Uber và cho rằng Uber là đơn vị kinh doanh vận tải là một trong các cơ sở quan trọng để cơ quan quản lý Việt Nam xây dựng chính sách đảm bảo quyền lợi cho người lao động (tài xế) và người tiêu dùng.
Người lao động của Mai Linh cũng xuất hiện tại phiên tòa sáng 28/12.
Đáng chú ý, một chi tiết mà HĐXX nêu ngay trước khi bắt đầu phiên tòa là trong 17 tháng xét xử vừa qua, hai bên đã gửi văn bản lên Chánh án Tòa án Tối cao, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước…, HĐXX khẳng định có quyền quyết định ở vụ kiện này mà không chịu bất kỳ tác động nào.
Ngoài ra, HĐXX nhắc lại về thông cáo báo chí mà Grab gửi đi. Trong đó, Grab đổ lỗi vụ kiện kéo dài một phần do HĐXX. Thẩm phán Lê Công Toại nhấn mạnh, vì tính chất phức tạp của vụ án, lại chưa có tiền lệ, liên quan đến nhiều lĩnh vực và được sự quan tâm của nhiều bộ phận tầng lớp. Vậy nên vụ án kéo dài lâu là do một phần khách quan, đồng thời tòa có ý muốn để hai bên tranh luận sâu và đủ.
Được biết, với kết quả trên ông Trương Đình Quý, đại diện Vinasun cho biết, rất mong mỏi cơ quan nhà nước sớm có chính sách phù hợp để các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng và lành mạnh.
Phía Grab, Luật sư Lưu Tiến Dũng bày tỏ rằng, rất thất vọng với phán quyết của Tòa, cho rằng Tòa đã đi quá xa chức năng của mình, can thiệp cả về bảo hiểm cho người lao động, về thuế. Tòa không có cơ sở để đưa ra mức bồi thường 4,8 tỷ đồng cho Vinasun nên Grab sẽ kháng cáo lên Tòa án Cấp cao TP.HCM.