Tòa Phú Thọ bắt đầu xét xử vụ mua bán trái phép hóa đơn gần 64.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Sáng nay, 19/12, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ bắt đầu phiên tòa xét xử sơ thẩm 100 bị cáo trong vụ án mua, bán trái phép hóa đơn xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước.
Các bị cáo hầu tòa.

Các bị cáo hầu tòa.

Trong vụ án nay, 30 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Trốn thuế”; 68 bị cáo về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” và 2 bị cáo tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Theo công bố của Chủ tọa, tại phiên tòa sáng nay có 34 bị cáo có mặt, 66 bị cáo có đơn xin vắng mặt trong một số ngày xét xử. Có 1 người có mặt trong số 22 người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 10 ngày (từ ngày 19/12 đến ngày 29/12/2023).

Đây là một trong những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Phú Thọ theo dõi, chỉ đạo.

Vụ án có quy mô đặc biệt lớn, tính chất hết sức phức tạp, diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, với số tiền hóa đơn được mua bán, giao dịch trái phép lớn nhất cả nước từ trước đến nay, lên tới gần 64.000 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ mua bán trái phép hóa đơn lớn nhất trên cả nước từ trước đến nay.

Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ mua bán trái phép hóa đơn lớn nhất trên cả nước từ trước đến nay.

Theo cáo trạng, lợi dụng quy định đăng ký kinh doanh, chuyển nhượng doanh nghiệp được thực hiện qua mạng, từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2022, Nguyễn Minh Tú (sinh năm 1992, trú tại phường Tam Phú, Thủ Đức, TP.HCM) đã thông qua Nguyễn Thị Huế (sinh năm 1988, ở phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) và 2 cá nhân là Kiên và Vân (không xác định được đầy đủ danh tính) để mua 646 doanh nghiệp.

Trong đó, Tú thông qua Huế mua 500 doanh nghiệp, với chi phí 50 - 60 triệu đồng/doanh nghiệp. Tổng số tiền Tú trả cho Huế để thực hiện việc “mua” doanh nghiệp là 30,3 tỷ đồng.

Sau đó, thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo và các hội nhóm trên mạng Internet, Tú thiết lập mạng lưới 73 đối tượng trung gian (F1, F2…) để bán hóa đơn GTGT cho các đơn vị có nhu cầu trên cả nước, nhằm hưởng lợi bất chính.

Để che giấu việc bán hóa đơn trái phép, Tú thuê Huế với giá 1 - 2 triệu đồng để Huế “tự kê”, “khai khống” doanh số mua vào (thực tế không có hóa đơn đầu vào); khai giảm doanh số hóa đơn bán ra của các công ty bán hóa đơn trên tờ khai thuế điện tử.

Để hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn GTGT đã bán, Tú mua 6 công ty tài chính gồm: Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính Quốc Hùng, Công ty TNHH Tư vấn tài chính Viết Thanh, Công ty TNHH Dịch vụ tài chính Vương Phát, Công ty TNHH Dịch vụ tài chính Trần Khoa, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải nhiên liệu Trí Tài và Công ty Tài chính Hùng Cường, giao cho Võ Tấn Lộc (sinh năm 1997, trú tại TP.HCM) quản lý và thực hiện hợp thức thủ tục thanh toán.

Quá trình giao dịch, Tú và Lộc sử dụng sim “rác” để đăng ký ứng dụng Internet banking, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của F1 với số tiền bằng doanh số hóa đơn đã bán. Sau đó, F1 giữ lại tiền bán hóa đơn (theo tỷ lệ % đã thỏa thuận), rồi chuyển số tiền còn lại vào tài khoản cá nhân của các đơn vị mua hóa đơn.

Các cá nhân này nộp số tiền đã nhận được, cộng với số tiền % (F1 giữ lại) vào tài khoản doanh nghiệp mua hóa đơn, rồi chuyển khoản trả lại tài khoản các doanh nghiệp bán hóa đơn của Tú và đồng bọn, coi như hoàn thành việc thanh toán.

Kết quả điều tra xác định, chỉ trong vòng 2 năm, Tú và đồng phạm đã bán trái phép hơn 1 triệu hóa đơn GTGT cho 88.053 đơn vị, tổ chức với tổng doanh số gần 64.000 tỷ đồng; qua đó Tú hưởng lợi hơn 294 tỷ đồng.

Số tiền này, Tú đã chia cho Võ Tấn Lộc hơn 12 tỷ đồng; trả cho Nguyễn Thị Huế hơn 31,6 tỷ đồng tiền “mua” doanh nghiệp và thuê làm các thủ tục kê khai hóa đơn.

Ngoài ra, đối với các hóa đơn đã xuất bán mà mặt hàng cần điều kiện phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc như đất, cát, sỏi, gỗ, xăng dầu, thực phẩm…, Nguyễn Minh Tú thông qua mạng Internet tìm kiếm và đặt mua 32 con dấu giả của các cơ quan có thẩm quyền, sau đó sử dụng các con dấu để tạo “khống” các bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa ghi trên các hóa đơn, rồi chuyển lại cho doanh nghiệp mua hóa đơn sử dụng để thanh, quyết toán với cơ quan thuế.

Tin bài liên quan