Theo quy định của Luật Phá sản 2014, chánh án Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành quy chế làm việc của tổ thẩm phán giải quyết thủ tục phá sản, hướng dẫn áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản, hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền của tòa án nhân dân địa phương, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn các vụ việc phá sản được thụ lý trước khi Luật Phá sản có hiệu lực và đang được giải quyết.
Nhưng cho đến nay, sau hơn 1 năm ban hành Luật Phá sản 2014, các hướng dẫn nêu trên vẫn chưa được ban hành, dẫn đến các tòa án lúng túng không dám nhận hồ sơ giải quyết thủ tục phá sản. Nhiều địa phương chưa có kế hoạch thực thi Luật Phá sản 2014. Hiện chỉ có 8 tỉnh có kế hoạch triển khai Luật này, bao gồm phát triển đội ngũ quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản…
Về quản tài viên, đến ngày 23/6/2015, Bộ Tư pháp mới công bố danh sách 96 quản tài viên được cấp thẻ hành nghề trên toàn quốc, phân bổ chủ yếu ở các đô thị lớn như TP. HCM 27 người, Hà Nội 26 người…, nhiều tỉnh, thành khác chưa có quản tài viên.
Danh sách quản tài viên của Bộ Tư pháp công bố mới chỉ có các thông tin về tên, tuổi, giới tính, địa chỉ thường trú, mà chưa có các thông tin liên quan về nghề nghiệp, năng lực chuyên môn để các đương sự chủ nợ và doanh nghiệp ở tình trạng phá sản có thể tham khảo lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu giải quyết tình trạng phá sản (phục hồi kinh doanh, bán tài sản, quyết định phá sản…).
Ngoài ra, theo Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, hiện tại chỉ có 1 doanh nghiệp hoạt động quản lý, thanh lý tài sản.
Đáng chú ý, 2 tháng sau khi Luật Phá sản 2014 có hiệu lực, cổng thông tin điện tử tại Tòa án nhân dân TP. HCM, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn đăng các thông tin hướng dẫn thủ tục tố tụng của Luật Phá sản 2004. Không có bất kỳ một bảng thông tin hướng dẫn thủ tục tố tụng tại trụ sở tòa án cấp tỉnh và huyện có hướng dẫn thủ tục giải quyết phá sản tại tòa án.
Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia cũng không có thông tin liên quan đến Luật Phá sản 2014, trong khi Luật quy định, việc công bố “mở hay không mở thủ tục phá sản” ở trên cổng thông tin này.
Cổng thông tin của Tòa án nhân dân tối cao và cổng thông tin của một số tòa án nhân dân địa phương cũng vậy, không có các thông tin liên quan đến thủ tục giải quyết phá sản theo quy định. Trong khi đó, chỉ có 13/63 tòa án nhân dân cấp tỉnh là có cổng thông tin điện tử và chưa có ghi nhận nào là tòa án nhân dân cấp huyện có cổng thông tin điện tử.
Một số thẩm phán tại TP. HCM có kinh nghiệm giải quyết vụ án phá sản theo Luật Phá sản 2004 cho biết, thời gian giải quyết một vụ việc phá sản là 3 - 4 năm, có trường hợp kéo dài 9 năm. Việc kéo dài thời gian giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp có nhiều nguyên nhân như năng lực quản lý vụ án chưa cao, quy phạm pháp luật không rõ ràng, thiếu sự phối hợp giữa tòa án và các bên liên quan đến vụ việc phá sản…
Nhiều tòa án không có phần mềm quản lý vụ án (bao gồm quản lý thời gian, nghiệp vụ…) để hỗ trợ thẩm phán trong việc theo dõi quá trình giải quyết của từng vụ án. Do đó, các thẩm phán phải tự mình quản lý thông qua các biện pháp nghiệp vụ, kinh nghiệm cá nhân. Điều này cũng ảnh hưởng tới thời gian và chất lượng giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp.