Một góc Tổ hợp Hoá dầu Long Sơn.
Nguồn tin của Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn cho hay, Dự án Tổ hợp hoá dầu Long Sơn đang khẩn trương để về đích và hiện đã đạt tiến độ tổng thể là 96,2%.
Cụ thể, Nhà máy olefins đạt 92,9%, chậm 4% so với kế hoạch; bồn bể đạt 99,5%, chậm 0,1%; Nhà máy HDPE đạt 98,3% - chậm 1,6%; Nhà máy PP đạt 98,2% - chậm 1,7%; Nhà máy LLDPE đạt 94,9% - chậm 4,6%; Nhà máy phụ trợ trung tâm đạt 99,9% - vượt kế hoạch 0,9%; các toà nhà và đường nội bộ đạt 99,7%.
Dự án cũng đã hoàn thành công tác cải tạo mặt bằng và cảng chuyên dụng.
Bộ Công thương cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật các hạng mục công trình của dự án. Trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành liên quan, ý kiến các thành viên Tổ thẩm định thiết kế cơ sơ và thiết kế kỹ thuật; tiếp thu giải trình của chủ đầu tư, Bộ Công thương đã ban hành các văn bản thông báo kết quả thẩm định thiết kế của Dự án để chủ đầu tư có cơ sở triển khai các công việc liên quan.
Công tác thẩm định thiết kế toàn bộ các hạng mục công trình của Dự án đã hoàn thành vào tháng 12/2021 với thẩm định thiết kế 5 đợt và thẩm định điêu chỉnh 4 đợt.
Hồ sơ thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật các hạng mục công trình thuộc Dự án và các giải trình của chủ đầu tư về điều chỉnh thiết kế cơ bản đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn liên quan, phù hợp với điều kiện thi công thực tế của hạng mục công trình, đủ điều kiện để chủ đầu tư triển khai các bước tiếp theo.
Là dự án trọng điểm về dầu khí do Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình trọng điểm về dầu khí theo dõi, chỉ đạo; Dự án Tổ hợp Hoá dầu Long Sơn nằm trong danh mục công trình do Hội đồng kiểm tra nhà nước các công trình xâ dựng tổ chức theo dõi, nghiệm thu từ năm 2019.
Bộ Công thương cũng đánh giá, qua các đợt kiểm tra, chất lượng công trình cơ bản đáp ứng yêu cầu. Chủ đầu tư đã rà soát, kiểm tra, khắc phục và báo cáo kết quả thực hiện đối với các ý kiến chỉ đạo của Cơ quan Thường trực Hội đồng tại các đợt kiểm tra.
Đối với một số gói thầu như H&I-1, H&I-4 và hạng mục cầu cảng hydrocabon thuộc gói thầu F, gói thầu A2, theo đánh giá của Bộ Công thương là đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định. Tuy nhiên riêng hạng mục gói thầu H&I-2 đến thời điểm 20/7/2022 là chưa đủ điều kiện để được chấp thuận kết quả nghiệm thu do chưa hoàn tất thủ tục về chấp thuận kết quả nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.
Đầu năm 2022, khi gặp gỡ với lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG (Thái Lan) cho hay, SCG đang quan tâm phát triển 2 dự án mới, gồm nâng cấp công suất cho dự án hiện tại và mở rộng cho giai đoạn 2 của dự án (LSP2) với công nghệ tiên tiến theo hướng xanh, tuần hoàn.
"LSP2 sẽ được triển khai trong cùng khu vực với Dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam hiện tại, tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có để mở rộng nhà máy. Hồ sơ xin cấp phép chính thức sẽ được trình tại thời điểm phù hợp tiếp theo", đại diện SCG nói.
Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn được quyết định đầu tư vào năm 2008 với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chiếm tổng cộng 29% vốn điều lệ. Đối tác nước ngoài gồm Tập đoàn Siam Cement (SCG), Công ty Dầu khí Qatar, Vina SCG Chemicals Company Limited (VSCG), Thai Plastic And Chemicals Public Company Limited (TPC).Quy mô vốn đầu tư ban đầu là 3,7 tỷ USD.
Tới tháng 6/2018, Tổ hợp Hóa dầu miền Nam trở thành Dự án 100% vốn đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan với quy mô vốn đầu tư là gần 5,1 tỷ USD.Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam được đặt tại xã Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có công suất 1,35 triệu tấn olefin và polyolefin 1,4 triệu tấn hàng năm.Tổ hợp bao gồm một nhà máy cracking nguyên liệu hỗn hợp, các nhà máy hạ nguồn polyolefins (HDPE, PP và LLDPE), cụm phụ trợ trung tâm, hệ thống cảng và cầu cảng, và các hạng mục liên quan khác.
Mục tiêu của dự án là sẽ khởi động từng hạng mục của Tổ hợp trong năm 2022 và vận hành toàn bộ Tổ hợp vào đầu năm 2023.