Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng bắt tay gỡ khó, giải phóng nguồn lực đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
Tổ công tác đặc biệt về rà soát, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư đã bắt đầu “ra tay”, nhằm gỡ khó, giải phóng nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhiều vướng mắc khiến Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội bị ảnh hưởng tiến độ

Nhiều vướng mắc khiến Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội bị ảnh hưởng tiến độ

“Ra tay” gỡ khó

Có tới 5 vướng mắc liên quan các dự án đầu tư công và 13 vướng mắc với các dự án ngoài ngân sách đã được UBND tỉnh Quảng Ninh gửi tới Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương.

Con số với Hà Nội còn lớn hơn thế. Tại Hội nghị trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, UBND TP. Hà Nội đã báo cáo 12 vướng mắc liên quan tới các dự án đầu tư công, 11 vướng mắc với các dự án đầu tư kinh doanh và 2 vướng mắc với các dự án PPP.

Có những vướng mắc, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Tổ phó Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng, là trùng nhau, nhưng cũng có những vướng mắc là riêng khác với từng địa phương.

Chẳng hạn, ở Hà Nội, theo đại diện Ban Quản lý Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, Dự án gặp khá nhiều khó khăn, bao gồm cả vấn đề giải phóng mặt bằng. Tại ga ngầm S9 (Kim Mã) và S11 (Quốc Tử Giám), tiến độ giải phóng mặt bằng rất chậm, đã ảnh hưởng tiến độ chung của Dự án. Rất nhiều vướng mắc đã được chỉ ra và để giải quyết, vị này thậm chí đã đề nghị có một cuộc làm việc riêng để gỡ khó.

Trong khi đó, theo ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, nhiều dự án đầu tư công khác vướng các quy định về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, dự toán chuẩn bị đầu tư đối với các dự án đầu tư công, bao gồm cả những vướng mắc trong công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A.

“Trước đây, các dự án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Nhưng sau khi Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực, thì chưa nêu rõ điều khoản chuyển tiếp”, ông Tuấn nói và đề nghị sửa đổi Luật Đầu tư công theo hướng HĐND Thành phố có thẩm quyền quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Việc vẫn còn các điểm “vênh nhau” giữa pháp luật về đầu tư, đất đai cũng được ông Tuấn nhắc đến. Trong khi đó, với các dự án PPP, không ít vướng mắc liên quan đến quá trình chuẩn bị dự án đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư, cũng như các quy định để thực hiện chuyển tiếp đối với các dự án BT…

Đối với Quảng Ninh, vướng mắc cũng không kém. Theo ông Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này, Luật Đầu tư công quy định, điều kiện để chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn là phải đảm bảo các tiêu chí: được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các dự án mới phải bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm, nhóm C không quá 3 năm.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy định trên thực tế là rất khó khăn, do khó có thể lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư tất cả các dự án trong kế hoạch trung hạn 5 năm tại thời điểm đầu của 5 năm kế hoạch. Đồng thời, mức vốn của dự án tại thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ không còn phù hợp khi triển khai thực hiện ở các năm sau, đặc biệt là những năm về cuối của kế hoạch.

“Do đó, việc phải phê duyệt chủ trương đầu tư tất cả các dự án để đưa vào danh mục trung hạn ngay sẽ rất khó khăn và chưa phù hợp với tình hình thực tế”, ông Dương nói.

Còn với các dự án đầu tư ngoài ngân sách, vướng mắc nằm ở các quy định không rõ ràng, dự án nào thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án nào không. Chưa kể, còn các vướng mắc liên quan đến quy trình lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án theo quy định của pháp luật về xã hội hóa; hay phương án xử lý đối với các trường hợp nhà đầu tư đã bị xử phạt vi phạm hành chính…

“Giả sử, các nhà đầu tư này tiếp tục vi phạm, nhưng nguyên nhân là cơ quan nhà nước chậm thực hiện thủ tục hành chính, thì liệu họ được tiếp tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án hay không?”, ông Dương đặt câu hỏi.

Gỡ rào cản, giải phóng nguồn lực đầu tư

Dịch bệnh phức tạp khiến Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương không thể xuống từng địa phương, vào từng dự án để rà soát, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn như năm ngoái các Tổ công tác của Chính phủ từng làm.

Biện pháp được lựa chọn là các cuộc làm việc trực tuyến. Ngay trong ngày đầu tiên của tháng 9, rất quyết liệt, hai hội nghị trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức với tỉnh Quảng Ninh và TP. Hà Nội.

Dù làm việc trực tuyến, nhưng sự chủ động, quyết liệt trong rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư là rất rõ ràng. Tinh thần chung, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, những vấn đề nào đã rõ, thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành thì sẽ ngay lập tức giải đáp, áp dụng chung cho cả nước, tránh tình trạng có các cách hiểu khác nhau. Vấn đề nào còn chưa rõ, thuộc thẩm quyền của Chính phủ, thậm chí phải sửa luật thì sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét quyết định.

Với tinh thần ấy, không ít vướng mắc của Hà Nội và Quảng Ninh đã được thành viên Nhóm giúp việc Tổ công tác (là trưởng một số đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên - Môi trường…) giải đáp ngay tại chỗ, đồng thời ghi nhận một số nội dung để báo cáo các cấp có thẩm quyền.

“Với một số vấn đề liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, chúng tôi cần báo cáo với các cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung. Trước mắt chưa sửa được thì các địa phương thực hiện đúng quy định hiện hành. Tổ công tác sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.

Ông Đông cho biết, hiện nhiều cơ chế, chính sách đã được hoàn thiện, nhưng vẫn có những chính sách chưa theo kịp được thực tiễn, do vậy, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung. “Nếu tháo gỡ được khó khăn cho các dự án, sẽ giúp giải phóng được nguồn lực đầu tư và điều này là rất tốt cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Đại diện Ban Quản lý Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội cho biết, pháp luật hiện hành chưa có các quy định về việc bồi thường, hỗ trợ cho các tòa nhà, các hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình Dự án được triển khai. Để xây dựng khu vực hầm cho Dự án, 7 tòa nhà sẽ phải phá dỡ, 43 tòa nhà phải tạm cư. Các tòa nhà này không thuộc diện bị thu hồi đất, nhưng nằm trong vành đai an toàn, vẫn cần phải bồi thường, hỗ trợ họ mà chưa có quy định cụ thể.

Tin bài liên quan