Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Tổ công tác của Thủ tướng báo cáo Chính phủ kết quả kiểm tra

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao và kết quả kiểm tra tháng 3 của Tổ công tác.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, trong tháng 3, Tổ công tác tập trung kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP; tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết; rà soát việc cắt giảm thực chất các quy định gây khó khăn đối với sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp và một số nội dung liên quan.

Kết quả kiểm tra cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 4.937 nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan, địa phương trong quý I, trong đó, có 885 nhiệm vụ đã hoàn thành, 3.852 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn, 200 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn, chiếm 4,1%.

Một nội dung rất đáng chú ý tại báo cáo của Tổ công tác là những vướng mắc đối với sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngay trước phiên họp Chính phủ, Tổ công tác đã chủ động làm việc với một số Hiệp hội trong lĩnh vực nông nghiệp để lắng nghe những phản ánh, kiến nghị.

Bước đầu có 24 vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, rào cản hành chính đang được quy định tại các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ, gồm: NN&PTNT (13 kiến nghị), Tài chính (06 kiến nghị), Tài nguyên và Môi trường (02 kiến nghị); Y tế (02 kiến nghị); Khoa học và Công nghệ (01 kiến nghị).

Qua làm việc, các Bộ đều nhìn nhận vấn đề khách quan, công tâm, ghi nhận vướng mắc mà các Hiệp hội phản ánh, chủ yếu là thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của các Bộ.

Trong đó, có một số vướng mắc đã  được Bộ tháo gỡ ngay; các vướng mắc khác đã được các Bộ giải trình, nhận diện và cam kết thời gian cụ thể để tháo gỡ. Trong đó, Bộ NN&PTNT đã tháo gỡ ngay vướng mắc về quy định nhập khẩu nguyên liệu để gia công, chế biến thực phẩm xuất khẩu từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài chuyển tải tại các cảng trung chuyển của quốc gia khác; quy định công bố cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; cập nhật các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc thú y….

Tổ công tác đề xuất Bộ NN&PTNT sớm xây dựng Nghị định quy định chi tiết Luật Trồng trọt và Luật chăn nuôi, lấy ý kiến các Hiệp hội liên quan, trong đó chú ý tính khả thi của các Nghị định khi được ban hành trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương ban hành quy định về ngưỡng MRPL (giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu) của các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cho hàng thủy sản tiêu thụ nội địa, hoàn thành trong tháng 4/2019.

Bộ Y tế khẩn trương trình sửa đổi quy định bất cập về sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm được quy định tại Nghị định 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, theo hướng không quy định bắt buộc mà khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng muối i-ốt.

Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị  định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa, hoàn thành trong quý II/2019.

“Bộ trưởng các Bộ tổ chức đối thoại, làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước để lắng nghe, tiếp nhận kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp; giải quyết kịp thời các vướng mắc”, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng nêu kiến nghị.

Cần khắc phục ngay việc chậm trễ ban hành văn bản

Báo cáo của Tổ công tác cũng cho thấy còn 16 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 trở về trước còn nợ đọng, thuộc trách nhiệm của 10 Bộ, cơ quan. Ngoài ra, có 16 văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 01/7/2019, các Bộ, cơ quan phải trình ký ban hành trước 15/5/2019.

Nguyên nhân của nợ đọng, về chủ quan, do một số Bộ chưa quyết liệt trong chỉ đạo công tác hoàn thiện thể chế; các đơn vị được giao nhiệm vụ chưa tập trung, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, khi có vướng mắc phát sinh không kịp thời tham mưu, báo cáo lãnh đạo để có phương án xử lý giải quyết.

Về khách quan, một số văn bản quy định chi tiết có nội dung  phức tạp, có nhiều vấn đề mới, còn nhiều ý kiến khác nhau; khi phối hợp, các bộ liên quan chậm cho ý kiến theo đề nghị của cơ quan chủ trì soạn thảo.

Tổ công tác đề nghị các bộ, cơ quan khắc phục ngay việc chậm trễ, đặc biệt là do lỗi chủ quan; khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền.

“Đề nghị thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Chính phủ trong phối hợp, xử lý các công việc có tính chất liên ngành. Khi được hỏi ý kiến phải trả lời đúng hạn, trúng vấn đề, đồng ý hay không đồng ý, không trả lời chung chung, không rõ quan điểm. Tuyệt đối không đẩy trách nhiệm lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng phát biểu.

Với một số dự án Luật cần tập trung sửa đổi, bổ sung với tinh thần cải cách mạnh mẽ, như Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công – tư, Tổ công tác đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tiến độ soạn thảo, bảo đảm yêu cầu cải cách mạnh mẽ hơn nữa, thu hút mạnh các nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển; xử lý mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Xây dựng, Luật doanh nghiệp, Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Tình hình triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết 01, 02

Về việc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, 02/NQ-CP, các bộ, cơ quan, địa phương nhìn chung đã có giải pháp triển khai Nghị quyết. Tuy nhiên, việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể còn chậm; nhiều nhiệm vụ về thể chế đòi hòi sự khẩn trương, quyết liệt nhưng vẫn chậm chễ, do đó nhiều khó khăn, vướng mắc không được tháo gỡ kịp thời.

Về Nghị quyết 01/NQ-CP, trong quý I, các bộ, cơ quan phải hoàn thành 36 nhiệm vụ nhưng đến thời điểm kiểm tra (ngày 14/3/2019), mới chỉ có 2 nhiệm vụ hoàn thành (1 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 1 của Thanh tra Chính phủ).

Ngay sau buổi kiểm tra, các Bộ, cơ quan đã rất tích cực, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ giao. Đến nay, có thêm 14 nhiệm vụ  được hoàn thành thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (03 nhiệm vụ); Bộ Nội vụ (04); Bộ Tài nguyên và Môi trường (02); các Bộ: Thông tin và Truyền Thông, Tài chính, Giáo dục và và Đào tạo,Công Thương,  LĐTB&XH đều có 1 nhiệm vụ.

Về Nghị quyết 02/NQ-CP, mới có 19 Bộ, cơ quan và 43 tỉnh, thành phố hoàn thành việc ban hành Kế hoạch hành động. Tuy nhiên, so với các năm trước, Kế hoạch hành động của các bộ, cơ quan có chất lượng hơn.

Trong quý I/2019, các Bộ, cơ quan phải ban hành tài liệu hướng dẫn của 07 bộ chỉ số. Đến nay, có 04/07 tài  liệu hướng dẫn bộ chỉ số đã được ban hành. Còn 03 tài liệu chưa được ban hành.

Theo kế hoạch, các Bộ phải ban hành tài liệu hướng dẫn của 31 nhóm chỉ số, chỉ số thành phần. Tuy nhiên, 31 nhóm chỉ số và chỉ số thành phần này chưa được ban hành tài liệu hướng dẫn. 

Về việc thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, sau khi thử nghiệm và kiểm tra an toàn thông tin, ngày 12/3 hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia đã chính thức được đưa vào sử dụng để phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính.

Đến nay, hệ thống hoạt động ổn định, thường xuyên được giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Lợi ích mang lại trên Trục liên thông văn bản quốc gia giữa các cơ quan hành chính với Văn phòng Chính phủ (hai cấp) theo tính toán sơ bộ là trên 1.200 tỷ đồng/năm.

Từ ngày khai trương 12/3 đến ngày 30/3, các cơ quan đã gửi 10.827 văn bản điện tử, nhận 30.374 văn bản điện tử. Riêng Văn phòng Chính phủ đã phát hành 2.056 văn bản điện tử được ký số không gửi văn bản giấy.

Qua thời gian thực hiện cho thấy còn nhiều việc phải thực hiện ngay trong thời gian tới như sửa đổi một số văn bản có liên quan; hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện tại Thông tư số 01/2019/TT-BNV, Thông tư 02/2019/TT-BNV; tập trung nguồn lực nâng cấp phần mềm đáp ứng các yêu cầu của việc gửi, nhận văn bản điện tử; thực hiện nghiêm túc việc gửi, nhận văn bản điện tử. 

Tin bài liên quan