Một người thợ xây già làm việc rất chuyên cần lâu năm cho hãng thầu xây cất nọ. Một ngày kia, ông ngỏ ý muốn nghỉ việc về hưu để vui thú với gia đình. Chủ hãng xây cất tỏ ra vô cùng luyến tiếc vì sẽ thiếu đi một người thợ giỏi tận tụy nhiều năm. Hãng đề nghị với ông cố gắng ở lại giúp xây cất một căn nhà chót trước khi thôi việc. Với sự miễn cưỡng, người thợ làm việc một cách tắc trách, qua quýt, xây cất căn nhà với những vật liệu tầm thường kém chọn lọc, miễn có một bề ngoài đẹp đẽ mà thôi.
Mấy tháng sau, khi căn nhà làm xong, ông được ông chủ hãng mời tới, đưa cho chiếc chìa khóa của ngôi nhà và nói: "Ông đã phục vụ rất tận tụy, để tưởng thưởng về sự đóng góp của ông cho sự thịnh vượng của hãng, hãng xin tặng ông ngôi nhà vừa xây xong!".
Thật là bàng hoàng. Sự tắc trách chỉ có mình người thợ tự biết và nay, ông được “tưởng thưởng” một sản phẩm mà chỉ có riêng ông biết là kém phẩm chất.
Câu chuyện này cũng giống như câu chuyện cuộc đời. Chúng ta giống như người thợ già kia, thường tạo dựng một đời sống hào nhoáng, tạm bợ, mà bỏ qua những giá trị rường cột bên trong. Nhiều khi ngồi một mình, kiểm đếm lại những lỗi lầm đã qua, ta chợt giật mình thấy rằng, nó không hề trôi qua mà đang tồn tại một cách hiện hữu qua những bê bối hôm nay ta đang gánh chịu. Đời là một công trình kiến trúc do chính mình tạo nên, đời sống ngày mai sẽ là kết quả của sự tạo dựng hôm nay.
Người thợ xây kia nếu biết ngôi nhà đó là tổ ấm của mình thì chắc chắn sẽ làm cẩn thận hết mức với tay nghề mình có. Nói như Đức Khổng Tử là “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người. Nếu hiểu theo nghĩa ngược lại thì hãy đối xử với người theo cách mà mình muốn được đối xử.
Nói rộng ra chuyện thị trường và các DN bất động sản. Cuối năm qua, cái lạnh mùa Đông miền Bắc có lẽ chẳng thấm vào đâu so với buốt giá toát ra từ “núi” bất động sản đóng băng. Và cũng chưa bao giờ Quốc hội, Chính phủ và toàn xã hội dành nhiều quan tâm đến thị trường bất động sản như hiện nay. Có thể nói là cả nước lo cứu bất động sản…
Nhưng đó đây vẫn có ý kiến rằng, bất động sản đang được thiên vị. Rằng “băng dày cả thước không phải do cái lạnh một ngày”. Các nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản cũng là những cỗ máy lớn trong quá trình “đốt nóng” rồi “làm lạnh” thị trường. Từ chuyện xí phần dự án, thu tiền vô tội vạ, tăng giá tràn lan đến việc chỉ nhăm nhăm xây nhà cao cấp, làm dự án “quên” đầu tư hạ tầng…
Hiện đang có hai luồng quan điểm và cả hai đều có lý xét ở góc độ nào đó. Thứ nhất, nợ xấu bất động sản sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Chính vì vậy tháo “ngòi nổ” bất động sản phải làm như… cứu hỏa. Nhưng ngược lại, quan điểm thứ hai cho rằng, cứ để thị trường tự bơi về bờ bến thực. Ai bơi giỏi, người đó sống. Thay vì giải cứu, hãy chỉ cho thị trường một con đường trở về là chính mình.
TTCK và thị trường bất động sản từng được ví như cặp đôi “béo phì” bởi dòng tiền nóng. Điều đáng mừng là trong giai đoạn trở về “trọng lượng thực”, đã có nhiều DN ngộ ra cái lý “bán cái thị trường cần chứ không phải cái mình muốn”. Từ vài tháng nay, các DN bất động sản đã tự thực hiện hàng trăm phương kế, từ giảm giá, giãn tiến độ thanh toán, đến xin chẻ nhỏ căn hộ... để tự cứu mình.
Nguyên tắc thị trường, xét cho cùng vẫn là nguyên tắc cao nhất trong kinh doanh, thị trường bất động sản cũng vậy. Chính giai đoạn khủng hoảng này là cơ hội để các thành viên tham gia thị trường, từ nhà quản lý, DN, đến người mua cùng khởi tạo lại tinh thần kinh doanh mới!
Năm Quý Tỵ - Trường Lưu Thủy, được cho là hợp với nghề xây cất. Và sau cơn mưa, cầu vồng đã le lói xuất hiện ở cuối chân trời. Nhưng như lời hát “Bài ca xây dựng”, chỉ khi niềm vui riêng “chan hòa trong niềm vui chung” thì lửa nhiệt huyết của người làm bất động sản mới có thể phả hơi ấm lên thị trường.