Thông tin từ doanh nghiệp cho biết, doanh thu tháng 10/2019 của TNG đạt 403 tỷ đồng, tăng 28,75%; lợi nhuận đạt 22 tỷ đồng, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2019, TNG đạt 3.971 tỷ đồng doanh thu, 196 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt tăng 30,6% và 33,33% so với cùng kỳ. Như vậy, tính đến hết tháng 10, Công ty đã thực hiện được 96% kế hoạch doanh thu và 94% kế hoạch lợi nhuận năm 2019.
Tại thời điểm 31/10/2019, số lượng đơn hàng khách hàng đã xuống chi tiết cho quý I/2020 đạt trên 1.000 tỷ đồng. Với diễn biến thực tế này, năm 2020, TNG dự kiến xây dựng kế hoạch tăng trưởng tối thiểu 10% chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận sau thuế so với thực hiện năm 2019.
Đây là một nỗ lực rất lớn, nói như ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT TNG, khi quy mô doanh thu và lợi nhuận tăng hàng năm, để duy trì được tốc độ tăng trưởng đã khó, để đạt được 2 con số một cách bền vững càng khó khăn hơn.
Chiến lược phát triển bền vững của TNG dựa trên việc hoạch định nguồn lực doanh nghiệp khoa học, chặt chẽ, được cụ thể hóa bằng chỉ tiêu cho từng tháng, bám sát việc thực hiện chỉ tiêu.
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2019 - 2024, TNG tiếp tục đầu tư xây dựng mới Nhà máy TNG Võ Nhai (quy mô 32 - 36 chuyền may/2 giai đoạn 2019 - 2020), TNG Đồng Hỷ từ 9 chuyền may lên 30 - 35 chuyền may, nhà máy tại Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1 với tổng vốn đầu tư 1.437 tỷ đồng, nghiên cứu các sản phẩm phụ trợ ngành may…
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt 29,24 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đà tăng trưởng đang chững lại do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, khiến tâm lý chung toàn ngành rơi vào tình trạng phòng ngự, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chủ lực.
Tuy vậy, bức tranh của mỗi doanh nghiệp lại khác và trong những tháng cuối năm 2019, đầu năm năm 2020, sự phân hóa về tốc độ tăng trưởng trong từng doanh nghiệp được dự báo sẽ còn rõ nét hơn.
Theo đó, những doanh nghiệp có quy mô lớn, chú trọng vào đầu tư cho tăng trưởng bền vững như môi trường làm việc, nguồn nhân lực, quản trị hệ thống nguồn lực như TNG tiếp tục có lợi thế trong đàm phán đơn hàng, đặc biệt với những khách hàng mới, thị trường mới.
Đơn cử, châu Âu cam kết cắt giảm thuế quan đối với hàng dệt may Việt Nam, trong đó 42,5% số dòng thuế sẽ được loại bỏ ngay lập tức khi Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, các dòngthuế còn lại sẽ giảm dần theo lộ trình từ 3 - 7 năm, với yêu cầu xuất xứ từ vải trở đi (châu Âu cho phép Việt Nam nhập khẩu vải từ Hàn Quốc).
Đây là chất xúc tác giúp thúc đẩy tăng trưởng sản lượng đơn đặt hàng từ châu Âu, đặc biệt từ những doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn tại thị trường này, dù hiện không nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu xuất xứ trong EVFTA.
Trong báo cáo gần nhất về TNG, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo, doanh thu thuần năm 2019 của TNG có thể đạt 4.366 tỷ đồng, tăng 20,9% so với năm 2018; biên lợi nhuận gộp tăng từ 17,7% lên 17,8% nhờ tăng năng suất lao động và hiệu quả quản lý chi phí; lợi nhuận sau thuế đạt 231,5 tỷ đồng, tăng 28,1%.
Với kết quả này, TNG có thể thực hiện kế hoạch trả cổ tức 15 - 20% như kỳ vọng của các cổ đông.
Tin tưởng vào tiềm năng phát triển của TNG, mới đây, Quỹ Asam đã tiếp tục đầu tư 136 tỷ đồng vào trái phiếu TNG. Đây là trái phiếu trơn, không tài sản bảo đảm, không kèm chứng quyền, tức mức độ tín nhiệm của Quỹ dành cho TNG ở bậc thang cao nhất.
Đại diện Asam cho biết, Quỹ có kế hoạch chuyển đổi 200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi TNG đã phát hành thành công trong năm 2018 thành cổ phiếu theo lộ trình kéo dài đến năm 2021 và dự kiến nắm giữ dài hạn.
Những động thái này thể hiện cam kết cùng phát triển lâu dài giữa các nhà đầu tư nước ngoài với TNG.
Tiếp tục được vinh danh với giải thưởng về quản trị công ty trong Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2019 cho thấy, TNG luôn nỗ lực và thực hiện tốt sứ mệnh cũng như cam kết minh bạch, đồng lợi với các bên có liên quan.