Tháng 11/2021, TNG đạt 435,7 tỷ đồng doanh thu, tăng 37,7% so với cùng kỳ 2020. Lũy kế 11 tháng đầu năm, Công ty đạt 4.977,6 tỷ đồng doanh thu, tăng 18% so với cùng kỳ và hoàn thành 104% kế hoạch năm.
Các nhà máy của TNG luôn chạy tối đa công suất, chuỗi sản xuất được duy trì liên tục, không bị đứt gãy hay chùng lại ở mắt xích, địa bàn nào kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
Yếu tố nổi bật ở TNG là năng lực thích ứng linh hoạt. Lãnh đạo Công ty cho biết, các kịch bản kinh doanh khi dịch bệnh bùng phát được xây dựng và cập nhật sát với diễn biến dịch bệnh trong và ngoài nước. Với đặc thù là doanh nghiệp đông nhân công, lên tới gần 17.000 người, TNG phải lập kế hoạch chi tiết đến từng tổ nhóm, đề cao ý thức chủ động và trách nhiệm của người lao động trong công việc. Bên cạnh đó, TNG cũng đặc biệt chú trọng việc đảm bảo thu nhập cũng như sức khỏe tinh thần cho người lao động, từ đó mang lại sự yên tâm, thậm chí còn đạt năng suất lao động cao hơn trong mùa dịch.
Đặc biệt, TNG đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Dữ liệu về sản phẩm hàng ngày ở từng người lao động được cập nhật, dữ liệu về nguyên phụ liệu đầu vào được quản lý bằng hệ thống công nghệ, bởi vậy, số liệu chính xác và khớp nối với nhau rất nhanh chóng. Đây cũng là cơ sở để TNG xây dựng kế hoạch, giám sát và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch nhanh chóng, kịp thời, từ đó có những giải pháp để hỗ trợ các mắt xích yếu nhằm đạt mục tiêu chung.
Đến thời điểm này, có thể khẳng định, kế hoạch năm 2021 sẽ được TNG hoàn thành với mức tăng trưởng kép 2 con số. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG đúc kết: “Bám sát chiến lược, bám sát thị trường, động viên năng lực của mỗi người lao động để thúc đẩy năng lực cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp là điều kiện để TNG tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao”.
Những con số về hiệu quả hoạt động là minh chứng cho chiến lược mà TNG theo đuổi: Tập trung gia tăng hiệu quả ngành nghề lõi là dệt may, tìm kiếm cơ hội cải thiện lợi nhuận ở lĩnh vực bất động sản.
Trong lĩnh vực dệt may, Mỹ đã trở thành thị trường lớn nhất của TNG khi mang lại 40% doanh thu, tiếp theo là EU với 39%. Thời gian qua, TNG nhận được nhiều đơn hàng chuyển dịch từ các quốc gia và các địa phương trong vùng dịch. Nhằm đáp ứng nhu cầu đơn hàng tăng mạnh, từ quý II/2021, TNG liên tục triển khai các dự án mới như dây chuyền bông số 3, dự án sản xuất lều, dự án sản xuất găng tay… với tổng giá trị đầu tư 478 tỷ đồng.
Tính đến nay, TNG đã cơ bản hoàn thành việc phân giao kế hoạch 2022 cho các nhà máy, chi nhánh với tổng doanh thu 7.443 tỷ đồng (trong đó mảng dệt may là 6.421 tỷ đồng, bất động sản là 1.022 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế 498 tỷ đồng. TNG đặt mục tiêu gia nhập câu lạc bộ doanh nghiệp lợi nhuận nghìn tỷ vào năm 2025, với doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 11.926 tỷ đồng và 1.173 tỷ đồng.
Cơ sở để TNG đưa ra kế hoạch đầy tham vọng này là bên cạnh tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận bình quân mảng dệt may dự kiến ở mức 22 - 25%/năm trong giai đoạn 2022-2025, thì khả năng bứt phá và có thể đem lại lợi nhuận đột biến còn đến từ mảng bất động sản với tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận bình quân dự kiến 175%/năm.
Đây là lĩnh vực được TNG đầu tư mạnh mẽ thời gian gần đây với một loạt dự án nhà ở và bất động sản công nghiệp tại tỉnh Thái Nguyên như Chung cư TNG Village 1 với 186 căn hộ ở trung tâm TP. Thái Nguyên (đã đi vào hoạt động và đạt tỷ lệ lấp đầy 96%), Chung cư TNG Village 2 với 605 căn hộ chuẩn bị triển khai, Tòa nhà TNG Landmark, Khu dân cư Đại Thắng, Khu đô thị Hồng Tiến tại huyện Phổ Yên đang nghiên cứu đầu tư, hay với Cụm công nghiệp Sơn Cẩm diện tích 75 ha đã có khách thuê với quy mô hơn 5 ha...