Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc TKV cho biết, bám sát chủ trương của Thủ tướng Chính phủ trong Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 2/2/2017 về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020, HĐTV TKV đã thông qua định hướng, giải pháp tái cơ cấu thuộc TKV đến năm 2020. Tập đoàn cũng đã lập ra tổ công tác triển khai tái cơ cấu góp vốn của TKV tại các doanh nghiệp.
Cụ thể, TKV sẽ thoái vốn xuống 51% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Địa chất mỏ và Địa chất Việt Bắc, đẩy mạnh thoái vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nhà & Hạ tầng và Tổng Công ty Điện lực, Tổng Công ty Khoáng sản với tỷ lệ thoái vốn xuống mức tương ứng lần lượt là 36% và 65%.
Đối với công tác thoái vốn của TKV tại Tổng Công ty Điện lực TKV (Mã CK: DTK), lãnh đạo TKV khẳng định việc thoái vốn đang được thực hiện theo đúng chủ trương của Chính phủ cho phép. Lộ trình thoái vốn đã được phê duyệt giai đoạn đầu là giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 65%, theo đó tỷ lệ sở hữu cần thoái trong giai đoạn đầu là 34,68%. Với tỷ lệ sở hữu vốn như hiện tại của TKV là 99,68% thì TKV sẽ phải thoái tiếp tương đương 2.358.240 triệu đồng.
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Chủ tịch HĐQT ĐTK cho biết Tập đoàn và Tổng Công ty đang định hướng các nhà đầu tư tiềm năng tập trung vào các tiêu chí bao gồm nhà đầu tư có nhu cầu và năng lực tài chính, ưu tiên các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp điện, ưu tiên các nhà đầu tư có cam kết bằng văn bản về việc gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp...
“Chúng tôi mong muốn mang đến cho các Nhà đầu tư một cơ hội lựa chọn đầu tư hiệu quả, kiến tạo những giá trị đích thực, sự ổn định và ngày càng gia tăng cho các cổ đông của Tổng Công ty. Chính những áp lực của thị trường đã giúp cho Tổng công ty hoàn thiện hơn trong công tác quản trị, quản lý và điều hành kinh doanh, đảm bảo hiệu quả hoạt động và đáp ứng những kỳ vọng của các nhà đầu tư đã dành sự quan tâm đối với cổ phiếu DTK”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tổng Công ty Điện lực – TKV là Công ty con thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất điện. Từ một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, Tổng Công ty được cổ phần hóa và bắt đầu hoạt động dưới hình thưc công ty cổ phần từ ngày 15/1/2016 với tên gọi Tổng Công ty Điện lực TKV – CTCP với vốn điều lệ 6.800 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2016, doanh nghiệp đang sở hữu 7 nhà máy điện, trong đó có 5 nhà máy trực thuộc sở hữu 100% với tổng công suất 1.030 MW, 2 công ty con với 2 nhà máy nhiệt điện than có tổng công suất 700 MW. Tổng Công ty còn tham gia góp vốn vào 3 nhà máy điện khác với tỷ lệ từ 5-10% với tổng công suất 3.600 MW.
Theo Quy hoach điện VII, nhiệt điện giữ vai trò trung tâm trong sản xuất điện. Cụ thể, đến năm 2020, tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW, chiếm 49,3% điện sản xuất; năm 2025 đạt khoảng 47.600 MW, chiếm 55% điện sản xuất; năm 2030 đạt 55.300MW chiếm 53,2% điện sản xuất.